Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã được tháo ngòi nổ?
Giới đầu tư toàn cầu có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có dấu hiệu khép lại sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận tránh làm nảy sinh một cuộc chiến thương mại giữa hai nước, đồng thời cam kết sẽ không tìm cách áp đặt hàng rào thuế quan đối với hàng xuất khẩu của nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, tháng 11/2017. Ảnh: AP. |
Mỹ và Trung Quốc đã thực sự có những “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực đàm phán cam go nhằm hóa giải những bất đồng thương mại đang tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Hai bên thống nhất sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang bằng cách tạm gác lại chuyện thuế quan, đồng thời nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.
Khẳng định các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ- Trung vừa qua đạt kết quả tốt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 20/5 vui mừng thông báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai bên xem như đã được hóa giải. Cũng theo vị quan chức này, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng xây dựng và thực thi khuôn khổ mới với việc soạn thảo một thoả thuận thương mại rộng lớn hơn hướng đến giải quyết sự mất cân bằng thương mại trong tương lai.
Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại Washington cũng vừa xác nhận hai bên đã đạt được sự đồng thuận, trong đó cam kết sẽ không lao vào một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng áp đặt thuế lẫn nhau. Tuy nhiên, vị quan chức này lưu ý, việc phá vỡ tình trạng đóng băng hiện nay không thể hoàn thành chỉ trong một ngày, cần thời gian để giải quyết các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế và quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Lưu Hạc cho biết thêm: “Chúng tôi vừa xóa bỏ một số hiểu lầm trong quá khứ. Các cuộc đàm phán vừa qua sẽ không chỉ giúp thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đồng thời xây dựng mối quan hệ tổng thể. Điều này là tốt cho người dân của cả hai nước, đồng thời gửi đi một tín hiệu tích cực đến toàn thế giới.”
Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua, nhiều nhà phân tích vẫn nghiêng về nhận định viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là điều khó có thể xảy ra bất chấp việc hai siêu cường này vẫn liên tục đưa ra những động thái và các lời cảnh báo lẫn nhau. Bởi lẽ, Mỹ- Trung Quốc- 2 cỗ máy kinh tế hàng đầu thế giới có sự phụ thuộc quá lớn vào nhau. Nên bản thân mỗi bên đều phải tự ý thức được lợi ích hay hậu quả khi lựa chọn hợp tác hay đối đầu.
Dù có thể được coi là công cụ trong bài toán lợi ích, là trò chơi nắn gân giữa các ông lớn, song trong trường hợp bùng nổ một cuộc chiến thực sự, cho dù là cuộc chiến phi súng đạn, thì bản chất vẫn sẽ là “lợi bất cập hại” cho cả hai phía. Việc Mỹ- Trung Quốc cần nhau là điều quá rõ khi mà Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, ngược lại Mỹ là thị trường mà Trung Quốc đang xuất siêu.
Nhiều công ty lớn của Mỹ cũng đang tận dụng tốt nguồn nhân lực tại Trung Quốc, trong khi hàng trăm tỷ đô la của Trung Quốc đang tìm đường đầu tư vào Mỹ. Rõ ràng, chỉ nhìn qua lăng kính lợi ích quốc gia là chưa đủ. Mà trước tiên, thời điểm này, Mỹ- Trung Quốc cần hướng tới mục tiêu là đảm bảo cân bằng cán cân thương mại song phương.
Để làm được điều này, lựa chọn tối ưu nhất cho cả hai bên lúc này có lẽ vẫn là xây dựng giải pháp hai chiều mang tính ổn định và bền vững, trong đó có các quy định rõ ràng về việc thâu tóm và đầu tư, về việc chấm dứt tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ và bán phá giá bởi các doanh nghiệp nhà nước, song song với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bối cảnh địa chính trị, các vấn đề quốc tế nóng mà hai bên cùng quan tâm./.