Cuộc chiến giữa Trump và cộng đồng tình báo Mỹ - VnExpress
Tổng thống Trump (trái) trong cuộc họp với các lãnh đạo tình báo Mỹ hôm 31/1. Ảnh: Twitter.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats ngày 28/7 nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Donald Trump, trong đó nhấn mạnh ông "tin rằng đã đến lúc mình bước sang chương mới của cuộc đời" sau hơn hai năm gắn bó với vị trí này. Trump sau đó thông báo Coats sẽ rời nhiệm sở từ ngày 15/8, người thay thế là nghị sĩ John Ratcliffe.
Giới quan sát cho rằng đơn từ chức của Coats không phải là điều bất ngờ, bởi truyền thông nước này đã dự đoán điều đó từ nhiều ngày trước. Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3/2017, Coats đã có mối quan hệ ngày càng khó khăn với Trump, khi Tổng thống Mỹ công khai bày tỏ lập trường đối đầu với cộng đồng tình báo nước này, nhất là các chính sách đối ngoại liên quan đến Nga, Triều Tiên và Iran.
Coats được cho là làm mếch lòng Trump từ mùa hè năm ngoái, khi ông lên tiếng bảo vệ báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tháng 7/2017, ngay sau khi Trump nói rằng ông "không thấy lý do gì để Nga can thiệp bầu cử", Coats ra tyên bố khẳng định cộng đồng tình báo cung cấp "những thông tin tốt nhất và các đánh giá dựa trên thực tế cho tổng thống và các nhà làm luật", khẳng định cơ quan này "sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tình báo khách quan để bảo vệ an ninh quốc gia".
Hồi tháng 1, Coats tiếp tục mâu thuẫn với Trump khi nói với các thượng nghị sĩ rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Tổng thống tỏ ra lạc quan hơn nhiều về triển vọng phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Đây không phải lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng xảy ra bất đồng với các quan chức tình báo, điều được đánh giá là có thể gây hại cho nỗ lực xây dựng chính sách đối ngoại của Washington.
"Cuộc chiến chính trị công khai giữa Tổng thống Trump và cộng đồng tình báo Mỹ đã vượt quá những tranh chấp thường thấy giữa các đời tổng thống và lãnh đạo tình báo trong quá khứ. Nó sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng với an ninh quốc gia", cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phát biểu hồi đầu năm trong hội thảo của Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNA) có trụ sở tại Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng rất khó chỉ ra bên chịu trách nhiệm cho cuộc đối đầu hiện nay giữa Tổng thống và cộng đồng tình báo, cũng không có giải pháp đơn giản nào có thể nhanh chóng hàn gắn quan hệ giữa Trump với các cơ quan tình báo Mỹ.
Tình thế đối đầu này bắt đầu khiến dư luận chú ý từ cuối tháng 1, khi Trump công khai chỉ trích báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu được công bố trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. Giới chức tình báo Mỹ khi đó tuyên bố Iran không phát triển vũ khí hạt nhân vi phạm thỏa thuận, cũng như đưa ra những nhận định trái ngược với Trump về một số vấn đề như mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
"Những người thuộc cơ quan tình báo dường như quá bị động và ngây thơ khi đề cập tới các mối nguy hiểm từ Iran. Họ đều sai hết! Có lẽ tình báo Mỹ nên về trường học lại", ông chủ Nhà Trắng lúc đó viết trên mạng xã hội Twitter.
Lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ trong một phiên điều trần hồi đầu năm nay. Ảnh: Hill.
Mark Lowenthal, cựu trợ lý giám đốc CIA và chánh văn phòng Ủy ban Tình báo Thường trực Hạ viện Mỹ, cho rằng đây không phải tranh chấp về chính sách do cộng đồng tình báo Mỹ không có quyền tham gia xây dựng chính sách đối ngoại của Washington. "Bản báo cáo chỉ gây ra mâu thuẫn với rất nhiều quan điểm của Trump, điều này không quá bất thường", Lowenthal nói.
Quan điểm khác biệt về tình hình thế giới là điều bình thường, thậm chí còn có ích cho quá trình xây dựng chính sách của Mỹ, nhưng việc đối đầu công khai dường như sẽ gây ra nhiều tác hại cho Washington.
"Nhiều tổng thống tiền nhiệm như John F. Kennedy và Lyndon Johnson từng tỏ ra bất mãn với giới tình báo. Tuy nhiên, việc một tổng thống Mỹ tuyên bố tin vào tuyên bố của lãnh đạo nước ngoài hơn các đánh giá từ chuyên gia tình báo dưới quyền mình là điều chưa từng có tiền lệ", Lowenthal nói thêm.
Paul Pillar, cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ, cho rằng nhiệm vụ của giới tình báo là cung cấp đánh giá khách quan, tránh bị lợi dụng vào mục đích chính trị của Nhà Trắng hay phe đối lập trong quốc hội. "Điều này ngày càng khó khăn trong giai đoạn mâu thuẫn gay gắt giữa Nhà Trắng, quốc hội và cộng đồng tình báo", Pillar đánh giá.
"Xung đột công khai giữa tổng thống và giới tình báo sẽ trở nên rất nguy hiểm. Việc ông chủ Nhà Trắng tin rằng cộng đồng tình báo muốn ông ấy rời nhiệm sở và không xứng đáng làm tổng thống có thể khiến việc cảnh báo trở nên khó khăn hơn nhiều", George Beebe, cựu trưởng phòng phân tích Nga tại CIA, cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng tình báo và tổng thống Mỹ cần duy trì liên lạc có hiệu quả, nhằm tránh những hậu quả xấu với an ninh nước này. "Tình hình gay gắt giữa hai bên sẽ dẫn tới nguy cơ thiên vị, tập trung bảo vệ lý lẽ của mình trong tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực tới đánh giá tình báo cũng như xây dựng chính sách", Beebe nói.