Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 sẽ đi vào lịch sử
Chủ nhật tuần này (23/4), người dân Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 1 bầu Tổng thống mới của nền Cộng hòa thứ năm của nước Pháp. Suốt thời gian dài qua cho tới nay, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đến giờ vẫn rất bất định và khó dự đoán. Nhưng có điều chắc chắn là sự kiện này sẽ đi vào lịch sử với nhiều điểm "bất ngờ", mà phần nhiều là không mấy tích cực với nước Pháp.
Bất ngờ từ những vòng sơ bộ
Từ những toan tính trong vận động tranh cử từ cả nửa năm trước, cho tới các vòng sơ bộ, một loạt bất ngờ xảy ra khiến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn biến khó lường.
Toàn bộ 11 ứng cử viên tổng thống Pháp tham gia cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp vào tối 4/4. (Ảnh: AFP). |
Phía cánh hữu, là thảm bại ngay ở vòng một bầu cử sơ bộ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy; rồi thất bại bất ngờ của Thị trưởng Bordeaux Alain Juppé- nhà chính trị lão luyện, trước cựu Thủ tướng Francois Fillon.
Bên cánh tả, đương kim Tổng thống Francois Hollande thực hiện một động tác chưa từng có tiền lệ: tuyên bố không ra tái tranh cử. Trong lịch sử nền Cộng hoà thứ 5 nước Pháp, ông Hollande là vị Tổng thống đầu tiên làm vậy, dù không hề mong muốn. Tuy nhiên, về mặt cá nhân, cú rút lui "lịch sử" này của ông Hollande dù sao cũng được đánh giá là khôn ngoan bởi thực tế là người dân Pháp quá chán ngán nhiệm kỳ điều hành của ông.
Ông Hollande rút lui, cơ hội lớn được trao cho Thủ tướng Manuel Valls và không mấy người nghĩ ông Valls sẽ thất bại sau bao cố gắng mới giành được quyền ra tranh cử từ ông Hollande. Nhưng cú sốc với cánh tả thậm chí còn nặng hơn bên cánh hữu: ông Valls gục ngã trước cựu Bộ trưởng giáo dục Benoit Hamon, người nằm trong phe “nổi loạn” của đảng Xã hội.
Thất bại đó cay đắng không chỉ với cá nhân ông Manuel Valls mà với chính đảng Xã hội bởi không có gì ê chề hơn việc một gương mặt “nổi loạn”, luôn đả kích chính quyền cánh tả cầm quyền, lại được chính các cử tri cánh tả chọn làm ứng cử viên Tổng thống. Benoit Hamon là lời tố cáo cho thất bại toàn diện của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Hollande và đảng Xã hội.
Xuất hiện ứng cử viên tự do không đảng phái - ẩn số Macron
Sự kiện cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron (39 tuổi), rút khỏi chính phủ, lập phong trào "Tiến bước" (En Marche) và tuyên bố ra tranh cử với tự cách ứng cử viên tự do không đảng phái là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Pháp; đồng thời đây được xem là xu hướng tất yếu của cuộc khủng hoảng chung của cả phe tả và hữu.
Giữa những hỗn loạn của toan tính và đấu đá chính trị, cử tri quan tâm nhiều nhất đến người có thể vực dậy nền kinh tế và đó lại là lợi thế của nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhưng xuất sắc về kinh tế - tài chính Macron.
Bóng ma bê bối
Với sự kiện ông Francois Fillon bị các thẩm phán triệu tập hôm 14/3, lần đầu tiên trong lịch sử, một ứng cử viên chủ chốt cho chức Tổng thống Pháp bị điều tra tư pháp ngay khi đang tranh cử. Dù tuyên bố chiến đấu đến cùng, song vụ bê bối này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến dịch tranh cử của ông Fillon. Từ chỗ là gương mặt sáng giá hàng đầu, ông Fillon giờ đây tụt xuống vị trí thứ ba sau Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen và ứng cử viên tự do Emmanuel Macron.
Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen cũng vướng vào một bê bối tương tự liên quan đến việc "trợ lý ảo" tại Nghị viện châu Âu, cụ thể là bị tố cáo chiếm dụng khoảng 340.000 Euro từ Nghị viện châu Âu để trả lương cho hai nhân viên trong chiến dịch tranh cử, thay vì thực hiện nhiệm vụ tại Nghị viện châu Âu.
Trong bối cảnh bóng ma bê bối đe nặng, những ngày gần bầu cử, ứng cử viên cực tả Jean Luc Melenchon lại ghi điểm mạnh, với lý do đơn giản ông được nhìn nhận là "trong sạch" nhất trong các ứng cử viên.
Sự ủng hộ đối với cực hữu có thể công khai
Mọi dự đoán đều cho rằng ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen chắc chắn sẽ giành kết quả cao trong vòng 1 và là một trong hai ứng cử viên lọt vào vòng 2.
Cho tới nay, người dân Pháp vẫn khẳng định rằng trong trường hợp bà Le Pen vào vòng hai thì mọi cử tri dù tả, dù hữu sẽ đoàn kết để loại bỏ khả năng Pháp có một Tổng thống cực hữu. Tuy nhiên, cũng chính tâm lý chủ quan của cử tri Anh đã dẫn đến Brexit hay trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, không nhiều người tin ông Donald Trump sẽ đắc cử.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nước Pháp. Nếu cử tri Pháp chán nản, không đi bỏ phiếu hoặc tỷ lệ đi bầu thấp, cơ hội lớn sẽ đến với bà Marine Le Pen. Điểm nguy hiểm nhất là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen vẫn duy trì được mức cao nhất về tỷ lệ chắc chắn trong các cử tri ủng hộ bà, tính ổn định của cử tri ủng hộ bà Le Pen luôn ở mức cao nhất so với các ứng cử viên khác, với 84 %.
Và có một điểm nổi bật khác biệt hoàn toàn so với trước đây, là bây giờ khi các cử tri quyết định bầu cho cực hữu không còn phải giấu diếm mà thoải mái công khai quan điểm đó, trong đó có cả những đối tượng thuộc các tầng lớp trí thức cấp cao.
Sẽ đi vào lịch sử dù không mấy "tích cực"
Những gì đang diễn ra trên chính trường Pháp thời gian qua cho thấy các đảng phái chính trị lớn ở Pháp, cả tả và hữu, đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng sâu sắc. Chính tâm lý quá thất vọng của các cử tri Pháp với tình hình kinh tế u ám, an ninh bất ổn, cũng như chính trường đấu đá liên miên... đã là điều kiện tạo nên những bất ngờ khó lường đó.
Với tất cả những điểm bất ngờ chưa từng có, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 sẽ đi vào lịch sử nền Cộng hòa thứ năm ở Pháp, dù đa số đều là những bất ngờ không mấy tích cực./.