Cuba sẽ cải cách mạnh mẽ Hiến pháp
Bản dự thảo Hiến pháp bao gồm những thay đổi đáng kể nhất về chính trị, kinh tế và xã hội Cuba kể từ năm 1959. Những thay đổi này khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống xã hội chủ nghĩa phát triển của các nhà lãnh đạo Cuba.
Ông Raul Castro và Chủ tịch Miguel Díaz-Canel. Ảnh: AP |
“Hệ thống kinh tế sẽ duy trì những nguyên tắc cơ bản về sở hữu xã hội chủ nghĩa của toàn dân, nhưng sẽ bổ sung sự công nhận vai trò của thị trường và của những hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba trích dẫn từ bản dự thảo Hiến pháp mới.
Bản dự thảo Hiến pháp sẽ được tham vấn công chúng trong những tháng tới và sau đó tiếp tục được trưng cầu ý dân để người dân Cuba cho ý kiến về những thay đổi này.
Dự thảo Hiến pháp mới sẽ thay thế cho bản Hiến pháp 1976 hiện hành tại Cuba, mà theo các nhà lãnh đạo Cuba là nhằm đáp ứng những chuyển biến của đất nước. Trong đó, sẽ công nhận thị trường và quyền tư hữu là những thành phần của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Điểm nhấn cải cách kinh tế
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel đã kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra.
Trong lễ nhậm chức hồi tháng 4, Chủ tịch Díaz-Canel cùng Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch mãn nhiệm Raul Castro đã cam kết đề xuất cải tổ Hiến pháp vào tháng 7. Lời hứa đã đã được thực hiện và dự thảo Hiến pháp mới dự kiến sẽ là bước chuyển mình lớn của Cuba đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới do ông Raul Castro đứng đầu đã bắt tay vào làm việc từ tháng 6. Bản thân ông Raul Castro năm 2011 đã từng tuyên bố Cuba cần thay đổi Hiến pháp. Khi còn đương nhiệm, ông Raul đã tiến hành những đổi mới về kinh tế theo hướng mở cửa cho đầu tư nước ngoài và cho phép hình thức kinh doanh tư nhân.
Trong bản dự thảo Hiến pháp mới này, Cuba công nhận các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu toàn dân, sở hữu chung và hình thức tư hữu.
Nhà cựu phân tích Arturo Lopez-Levy từng làm việc tại Bộ Nội vụ Cuba nhận định, kinh tế là phần quan trọng nhất trong dự thảo Hiến pháp mới này.
Thực tế, tốc độ và tăng trưởng kinh tế Cuba ở mức yếu. Nửa đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế Cuba đạt 1,1% và chính phủ quốc đảo Caribe muốn con số này phải tăng lên 7% mỗi năm.
“Dự thảo Hiến pháp mới mở cửa cho các chính sách khác của Cuba, vốn có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các doanh nghiệp tại Cuba và các nhà đầu tư nước ngoài cần tin tưởng rằng hoạt động của họ sẽ không bị quốc hữu hóa”, ông Lopez-Levy nói.
Cuba sẽ có Thủ tướng
Ngày 22/7, Quốc hội Cuba thông qua dự thảo Hiến pháp mới với sự đồng thuận tuyệt đối. Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo đã đánh giá cao thành công của Ủy ban phụ trách soạn thảo Dự thảo Hiến pháp do Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đứng đầu.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba duy trì đặc điểm xã hội chủ nghĩa và đưa ra những thay đổi trong cơ cấu Nhà nước Cuba, trong đó bao gồm việc thành lập các vị trí Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng, thay thế cho Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.
Điểm nhận được quan tâm trong bản dự thảo Hiến pháp là vấn đề về tuổi và hạn chế nhiệm kỳ của người giữ cương vị Chủ tịch Cuba. Theo đó, độ tuổi khi nhậm chức phải dưới 60 và các Chủ tịch Cuba sẽ không tại vị quá 2 nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp.
Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba dẫn lại phát biểu của Bí thư thứ nhất Raul Castro trong kỳ họp khai mạc Quốc hội khóa IX rằng, quốc đảo Caribe sẽ có chức danh mới là Thủ tướng. Bước cải tổ này là việc tách 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành “Thủ tướng”, hiện vẫn do 1 người đảm nhiệm.
Giới quan sát rất chờ đợi chính phủ với Thủ tướng tại Cuba sẽ vận hành ra sao? và những cải cách Hiến pháp sẽ phát huy những tác dụng thế nào?
Không ít ý kiến dự báo những chuyển biến tích cực với đất nước và người dân Cuba khi dự thảo Hiến pháp mới cũng mở rộng quyền con người, với các vấn đề như đảm bảo thủ tục tố tụng, “lệnh đình quyền giam giữ” (Habeas Corpus), giả định vô tội, và tái hòa nhập xã hội của các tù nhân. Bên cạnh đó, là thay đổi trong vấn đề kết hôn, theo đó bản dự thảo công nhận hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người không chỉ rõ giới tính, thay cho Hiến pháp hiện hành nêu rõ hôn nhân là sự kết hợp tự nguyện giữa nam giới và nữ giới.
Một ngày trước khi thông qua bản dự thảo Hiến pháp, các đại biểu Quốc hội khóa IX của Cuba cũng thông qua danh sách Hội đồng Bộ trưởng do tân Chủ tịch Diaz-Canel bổ nhiệm, với phần lớn các vị trí giữ nguyên từ chính phủ của ông Raul, như các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Thương mại và Quan hệ Quốc tế.
Do đó, cũng có những người giữ ý kiến hoài nghi, song vấn đề quan trọng nhất lúc này là những thay đổi về kinh tế. Nhiều ý kiến quan sát nói rằng, về mặt chính trị, chính phủ Cuba không có thách thức và có thêm thời gian để cải cách./.