Cộng đồng quốc tế quyết tâm bảo vệ Hiệp định Paris về khí hậu
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ký kết năm 2015 sau những cuộc đàm phán căng thẳng lại một lần nữa gặp thách thức khi Mỹ, nước công nghiệp hàng đầu thế giới hôm qua tuyên bố rút khỏi hiệp định, tạo ra một làn sóng phản ứng từ dư luận quốc tế.
Quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị cộng đồng quốc tế cho là một sai lầm. Ảnh minh họa: Arstechnica. |
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng quyết định này đã gây "một nỗi thất vọng lớn" trong khi đáng lẽ Mỹ phải là nước tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris của Mỹ, đồng thời cam kết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khẳng định văn kiện này sẽ được duy trì.
Đức, Pháp và Italy tuyên bố sẽ không đàm phán lại Hiệp định Paris. Tân Tổng thống Pháp Emmanuen Macron nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của thời hiện tại và việc Mỹ rút khỏi hiệp định có thể gây tổn hại tới lợi ích của chính quốc gia này.
“Tôi muốn khẳng định một cách rõ ràng rằng, Hiệp định Paris sẽ không thể đảo ngược và Hiệp định này sẽ được không chỉ Pháp mà còn tất cả các nước khác thực hiện”, ông Macron cho biết. “Chúng ta sẽ thành công bởi chúng ta đã cam kết rất mạnh mẽ. Dù bạn sống ở đâu và dù bạn là ai, thì chúng ta đều có chung một trách nhiệm, đó là: Khiến hành tinh của chúng ta tuyệt vời trở lại.”
Tại châu Mỹ, các quốc gia láng giềng của Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham gia hiệp định.
Mexico, quốc gia luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khẳng định việc cam kết thực hiện Hiệp định Paris là việc làm cấp thiết. Mexico sẽ không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đảm bảo các thỏa thuận trong hiệp định được thực hiện đầy đủ.
Canada cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các thỏa thuận nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu.
“Canada bày tỏ sự thất vọng với quan điểm của Mỹ”, Bộ trưởng Môi trường Canada Chatherine McKenna cho biết. “Đây là một hiệp định tốt cho Canada cũng như cả thế giới. Nó sẽ tạo ra nhiều việc làm. Nền kinh tế tăng trưởng sạch là mục tiêu mà cả thế giới hướng tới, trong đó có cả Canada. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta cần phải để lại một tương lai bền vững hơn cho các thế hệ sau. Canada sẽ cùng Liên minh châu Âu và Trung Quốc tổ chức một hội nghị nhằm thức đẩy hành động về Hiệp định Paris.”
Tại châu Đại Dương, Thủ tướng Fiji Vorege Bainimarama, người sẽ giữ cương vị chủ tịch Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu COP-23 tổ chức tại Bonn (Đức) vào cuối năm nay, cũng cảm thấy "thật không may" khi Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia thỏa thuận Paris, song cuộc chiến sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian hơn chứ sẽ không chấm dứt.
Thủ tướng Fiji Vorege Bainimarama khẳng định sẽ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Ông cũng cho rằng Mỹ sẽ dần dần thay đổi quyết định và quay trở lại sát cùng thế giới.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một sự tụt lùi đáng kể về mặt chính trị. Các nước khác có thể theo chân Mỹ hoặc suy nghĩ lại về cam kết cắt giảm khí thải, khiến việc đạt được mục tiêu kiểm soát biến đổi khí hậu khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn còn thời gian để vận động và thuyết phục nước Mỹ thay đổi quyết định.
Theo đúng quy trình, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đợi đến tháng 11/2019 mới có thể chính thức nộp đơn xin rút. Nước Mỹ sẽ chính thức rời khỏi Hiệp định này 1 năm sau đó, tức sớm nhất là tháng 11/2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần tới tại Mỹ. Do đó quyết định rút khỏi Hiệp định Paris có thể bị đảo ngược bởi Tổng thống tiếp theo của Mỹ./.