Công đoàn không dám khởi kiện chủ sử dụng lao động
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số. Trong 2 tháng đầu năm nay, toàn ngành thu 33.371 tỷ đồng, tăng 7.539 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho hơn 1 triệu lượt người.
Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 22,8 triệu lượt người, tăng 1,5 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện có 1.400 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH không có khả năng đòi được (Ảnh minh họa. Nguồn: KT) |
Tuy nhiên, một số địa phương lập, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chậm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng.
Ông Nguyễn Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh được triển khai từ 1/1/2016, nhiều người bệnh lợi dụng, khám chữa bệnh nhiều lần ở nhiều nơi khiến chi phí tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với khi chưa thông tuyến, nhiều cơ sở khám chữa bệnh xuất toán sai quy định.
Ông Nguyễn Xuân Bằng nói: “Khi kiểm toán các bệnh viện thì phát hiện ra một số sai sót như thuốc ngoài danh mục, thuốc chưa có kê khai hoặc các dịch vụ kỹ thuật có chi phí không hợp lý. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hoàn thiện lại, tăng cường công nghệ thông tin cũng như việc liên thông dữ liệu.
Ngoài việc kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh đồng thời cũng kiểm tra được thông tuyến cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi mở máy tính sẽ biết ngay một bệnh nhân buổi sáng đã khám ở đâu, buổi chiều khám bệnh viện khác thì bác sỹ sẽ có chỉ định hoặc hướng dẫn cho người bệnh”.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện có 1.400 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội không có khả năng đòi được. Theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, công đoàn có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, trong số 1.150 hồ sơ khởi kiện chuyển đến 52 liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố thì mới có hơn 140 hồ sơ được chuyển đến tòa án. Việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn do trình tự khởi kiện, văn bản chưa thống nhất giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội, công đoàn và tòa án.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị đưa ra xét xử tại tòa: “Chúng tôi nộp 74 đơn thì 12 đơn bị tòa án trả lại, còn lại chưa có vụ việc nào bị đưa ra xét xử theo trình tự, thủ tục.
Nếu đúng theo trình tự là công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Cái khó hiện nay là công đoàn cơ sở lại đi khởi kiện người sử dụng lao động nên họ ngại, không dám khởi kiện cũng không dám ủy quyền”./.