Chè VietGAP- Hướng tới sản xuất an toàn ( Bài 2: Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ)
Người trồng chè nên có cách nhìn mới.
Như chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước, thực trạng người dân không mặn mà với mô hình chè VietGAP đang diễn ra ở nhiều tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do giá chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn giá chè thông thường, người sản xuất và tiêu dùng chưa có cái nhìn đúng đắn về sản phẩm chè sạch và việc tổ chức, quản lý quy trình chất lượng tại các tổ sản xuất còn nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, cần thay đổi tư duy của người trồng chè, thói quen của người tiêu dùng, củng cố phương pháp quản lý và tạo điều kiện về tiêu thụ cho sản phẩm chè VietGAP.
Tìm hiểu tại nhiều hộ dân tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đã thấy nhiều tín hiệu khả quan về mức độ quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm chè sạch. Ông Bùi Khắc Tư, tổ viên tổ hợp tác chè VietGAP ở xóm 11, xã Tân Linh cho biết: “Nhiều khách hàng đã tin tưởng hơn khi sản phẩm chè của gia đình tôi đạt chứng nhận VietGAP. Tuy họ chưa trả giá cao hơn nhưng các khách hàng này đã ưu tiên sử dụng sản phẩm của gia đình”. Điều đó đã chứng minh sản phẩm chè VietGAP đang đi dần vào thói quen của người tiêu dùng và người trồng chè đã thuận lợi hơn khi bán hàng. Mô hình chè VietGAP mới triển khai mấy năm gần đây, do đó, người trồng chè nên kiên nhẫn, quyết tâm theo đuổi để sản phẩm tạo được thương hiệu, khẳng định chất lượng, khi đó, giá trị sản phẩm chè VietGAP sẽ từng bước được nâng lên.
Điểm khó khăn lớn nhất hiện nay là người trồng chè không tự nguyện đóng tiền gia hạn giấy chứng nhận VietGAP. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nguyên nhân không phải do số tiền quá lớn. Có thể làm một phép tính, tiền gia hạn giấy chứng nhận là 10 triệu đồng/2 năm, với một mô hình vietGAP có diện tích 18ha, sản lượng chè búp khô trong 2 năm sẽ đạt khoảng 90 tấn, nghĩa là muốn gia hạn giấy chứng nhận, người dân chỉ mất thêm 111 đồng/kg. Ngoài ra, nếu chia số tiền 10 triệu đồng cho các tổ viên trong tổ hợp tác, trung bình mỗi tổ từ 15 đến 30 hộ thì mỗi hộ cũng chỉ phải bỏ ra 300 đến hơn 600 nghìn đồng/2 năm. Theo ông Vũ Ngọc Chiến, Tổ Trưởng Tổ sản xuất chè VietGap ở xóm Làng Chủng, xã Trung Hội (Định Hóa) (Tổ duy nhất người dân đóng góp kinh phí để gia hạn giấy chứng nhận hiện nay): Nguyên nhân chủ yếu của việc người dân không nộp tiền là tâm lý ỷ lại, trông chờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và chưa tin tưởng vào sự thành công của mô hình. Nhưng theo tôi, sử dụng sản phẩm sạch là xu hướng tất yếu của người dân nên trong tương lai sản phẩm chè VietGAP chắc chắn sẽ có giá cao hơn và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.
Cần sự quan tâm
Theo phản ánh của nhiều người dân thì mối liên hệ của tổ hợp tác chè VietGAP với cơ quan chức năng chủ yếu thông qua các cán bộ dự án của Sở Nông nghiệp và PTNT, vai trò của chính quyền địa phương với các mô hình là rất mờ nhạt. Trong khi đó, quá trình sản xuất, tiêu thụ phát sinh nhiều vấn đề cần thêm sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở và các ban, ngành khác. Đơn cử như việc tổ hợp tác có nhiều hộ dân tham gia, tâm lý không thống nhất, một số tổ viên không áp dụng đúng quy trình, ghi chép sổ sách không đầy đủ thì một phần lỗi là do chính quyền địa phương chưa tuyên truyền hiệu quả. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… chưa nắm bắt được tâm lý để thực hiện vai trò định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Thực tế cho thấy, cùng với công tác tuyên truyền, các địa phương cũng cần quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng sản xuất tập trung và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh chè không an toàn, hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc thiếu “bà đỡ” cho các sản phẩm chè VietGAP, gây nên tình trạng người trồng chè không thể gia tăng giá trị sản phẩm, tạo sự khác biệt với chè thông thường. Theo một số nhà chuyên môn, để tháo gỡ vấn đề này, ngoài ngành nông nghiệp, cần thêm sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng trong việc tư vấn, hỗ trợ người dân làm mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu tập thể, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm chè đại trà. Tỉnh ta cũng cần xem xét thành lập đơn vị độc lập chuyên giúp đỡ người dân lĩnh vực này. Đồng thời, có các phương án bứt phá về tiêu thụ, giúp người trồng chè vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Cuối cùng, yếu tố quyết định cho sự thành công của các mô hình chè VietGAP vẫn là ở người tiêu dùng. Thông qua bài viết này, một lần nữa chúng tôi khẳng định chè VietGAP được sản xuất theo quy trình khắt khe và được kiểm định chất lượng đảm bảo an toàn, xứng đáng để người tiêu dùng lựa chọn và trả giá cao hơn các sản phẩm đại trà. Do đó, mỗi cá nhân nên là một người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm vì sức khỏe bản thân và gia đình. Đây chính là một vấn đề hết sức quan trọng mà chúng ta không thể đo đếm bằng lợi ích kinh tế trước mắt.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT): Người trồng chè cần tìm tòi những phương pháp chăm sóc phù hợp để chè vừa đạt tiêu chuẩn VietGAP, vừa có mùi hương, vị đậm ngọt giống thói quen sử dụng nhiều đời nay của người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đăng ký nhãn hiệu với cơ quan quản lý nhà nước, thông báo rộng rãi về chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, tích cực tìm kiếm thị trường bằng cách giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách hàng. |
Ông Hoàng Văn Thìn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP ở xóm Vân Long, xã Hùng Sơn (Đại Từ):
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí gia hạn giấy chứng nhận sản xuất chè VietGAP, để người trồng chè có thêm thời gian, cơ hội ứng dụng mô hình, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng nên lập các phương án cụ thể về tiêu thụ để đầu ra của mô hình bớt khó khăn.
Nguồn Báo TNĐT