Chè VietGAP - Hướng tới sản xuất an toàn (Bài 1: Vì sao khó nhân rộng mô hình?)
Gia đình anh Phan Đức Trịnh, ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh (Phú Lương) có 5.000m2 chè sản xuất theo quy trình VietGap. |
Ông Dương Văn Thi, ở xóm Gò, xã Tiên Hội (Đại Từ): Ngày nào tôi cũng uống chè, nhưng lại chưa bao giờ nghe nói về chè VietGAP. Tôi cũng không biết loại chè này được sản xuất như thế nào và tác dụng ra sao? Nếu như đây là sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe thì phải có cơ quan giới thiệu, tuyên truyền để đông đảo người dân được biết. Ngoài ra, tôi thấy người tiêu dùng rất khó lựa chọn khi chè bày bán tràn lan ngoài chợ, cửa hàng nào cũng quảng cáo là chè sạch, chè an toàn… |
Anh Nông Chí Kiên, cán bộ Ban Quản lý Đề án phát triển chè (Sở Nông nghiệp - PTNT): Do chính quyền một số địa phương chưa hiểu rõ về quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap nên chưa vào cuộc hiệu quả. Đặc biệt là nhiều cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn vẫn còn mơ hồ, lúng túng, chưa giải quyết kịp thời được những vướng mắc của người dân. Chính vì vậy mà việc quản lý, giám sát các tổ hợp tác và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn… |
Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, với diện tích chè hơn 18.500ha, trong đó có gần 17.000ha chè kinh doanh, năng suất đạt 109 tạ/ha, sản lượng đạt gần 185 nghìn tấn. Về cơ cấu giống, tổng diện tích chè cành trong toàn tỉnh là 7.482ha (chiếm 40,2%), trong đó giống chè LDP1 là 4.681ha; giống chè nhập nội là 1.841ha; giống chè TRI 777 là 878ha. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, trong đó có việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ năm 2009, mô hình đầu tiên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thực hiện ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), sau đó tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 mô hình chè VietGAP ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương và T.P Thái Nguyên, với tổng diện tích khoảng 200ha. Với mục đích đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng và môi trường sống, có thể khẳng định việc nhân rộng các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện những mô hình này còn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã đến Đại Từ, huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh. Trên địa bàn huyện đang có 4 mô hình chè VietGAP với tổng diện tích hơn 50ha, trong đó có 3 mô hình sẽ phải nộp kinh phí để cấp lại giấy chứng nhận trong khoảng 2 tháng nữa. Tuy nhiên hiện nay, chuyện vận động các hộ dân trong tổ hợp tác chè đóng góp tiền để thực hiện việc này là điều không dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè ở xóm 11, xã Tân Linh chia sẻ: “Vừa qua, khi tôi thông báo tiếp tục gia hạn giấy chứng nhận, hơn 10 hộ trong tổ đã đề nghị xin rút, không làm chè VietGAP nữa”. Trực tiếp tìm hiểu tại các hộ này, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau, ngoài việc giá chè VietGAP không cao hơn chè bình thường thì nhiều hộ cũng cảm thấy mệt mỏi vì quy trình thực hiện gắt gao, phức tạp. Anh Trần Duy Hạnh, một người dân xin rút khỏi Tổ hợp tác chè cho biết: Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khó nhất là phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, việc dùng phân vi sinh thì quy trình phức tạp. Thế nhưng khi tiêu thụ, nhiều tư thương chê chè xấu “mã”, vị nhạt nên trả giá sản phẩm thấp hơn từ 15-20 nghìn đồng/kg so với chè thường...
Cũng giống như tại xã Tân Linh, các tổ hợp tác chè VietGAP ở xóm Vân Long, xã Hùng Sơn và ở xóm Lũng 1, xã Phú Lạc (Đại Từ) cũng đã đến thời điểm nộp phí gia hạn giấy chứng nhận. Nhưng sau nhiều cuộc họp, các thành viên trong cả 2 tổ vẫn không đồng ý đóng tiền để duy trì mô hình. Ông Bàng Văn Chi, Tổ phó Tổ hợp tác chè VietGAP ở xóm Vân Long (Hùng Sơn) cho hay: Quả thật, giá sản phẩm chè của các gia đình trong Tổ hợp tác không cao hơn so với giá chè bình thường, việc tiêu thụ thì vẫn chỉ thông qua tư thương, các tổ viên chưa thấy được lợi ích rõ ràng trong khi số tiền phải đóng góp là khá lớn nên rất khó vận động được bà con...
Tại huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy tình trạng trên cũng xảy ra ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh. Chị Cao Thị Ninh, Tổ phó Tổ chè VietGAP xóm Thác Dài cho biết: Hiện, các hộ trong Tổ vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, có khách đặt hàng thì bán, không có thì lại bán cho tư thương nên nhiều hộ không thiết tha với mô hình chè VietGAP nữa. Nếu thời điểm này có khách đặt mua hàng thì Tổ chè VietGAP của xóm sẽ không đáp ứng được bởi một số hộ thành viên gần như không ghi chép nhật ký sản xuất nữa, do đó không chứng minh được là họ đã sản xuất theo đúng quy trình. Như vậy, đương nhiên thị trường tiêu thụ chè VietGAP sẽ bị đánh mất do chính những người sản xuất chè theo chuẩn này...
Tìm hiểu thêm tại các huyện khác, chúng tôi đều nhận thấy tình trạng chung là người dân chưa mặn mà với mô hình chè VietGAP. Theo thông tin của Sở Nông nghiệp - PTNT, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 4 mô hình chè VietGAP ở các xã: Hòa Bình (Đồng Hỷ), Trung Hội (Định Hóa), xóm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) mà những hộ dân tham gia đã không nộp tiền gia hạn giấy chứng nhận, do đó khi hết vốn hỗ trợ của Nhà nước là mô hình hết hiệu lực.
Ngoài việc người dân không muốn tiếp tục nộp tiền để gia hạn giấy chứng nhận thì tại các mô hình chè VietGAP còn tồn tại một số vấn đề khó khăn trong khâu quản lý. Nguyên nhân là do các mô hình chè VietGAP trên địa bàn tỉnh đều có diện tích nhỏ, trong khi số lượng hộ dân tham gia đông, do vậy người quản lý tổ hợp tác (là trưởng xóm) thường khó kiểm soát hết quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn này của từng hộ. Ngoài ra, mỗi gia đình lại có một phương pháp chăm sóc, chế biến chè truyền thống riêng nên việc đảm bảo tuân thủ quy trình nhiều khi khó thực hiện.
Quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các hộ dân phải ghi chép nhật ký sản xuất (sổ nông hộ) thật chi tiết. Đây là cơ sở để chứng minh người dân thực hiện đúng quy trình, sản phẩm chè đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, từ trước đến nay người dân lại chưa có thói quen ghi chép, hạch toán nên sổ sách thường thiếu thông tin và không chính xác. Anh Trần Như Sơn, cán bộ Ban Quản lý Đề án phát triển chè (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân không ghi chép sổ nông hộ hoặc ghi chép thông tin không đầy đủ, do đó khó truy nguyên được nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè…
Thêm một vấn đề nữa là các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang thiếu “bà đỡ” cho sản phẩm sau khi được công nhận. Do đó các tổ hợp tác chè vẫn “loay hoay” trong việc đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ và chưa có định hướng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng. Cũng vì lý do đó mà sản phẩm chè VietGAP chưa có giá cao và “chỗ đứng” trên thị trường.
Có thể khẳng định, việc phát triển các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và của tỉnh, đã, đang và sẽ đem lại những lợi ích thiết thực về nhiều mặt. Đây cũng là một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay đối với các hộ dân và làng nghề chè.Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy quá trình này đang còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Và, để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó thì cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, cơ quan, tổ chức liên quan cũng như của chính các hộ dân làm chè.
Về vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập trong phần sau.( còn nữa)
Nguồn Báo TNĐT