Châu Âu tức tốc tìm kiếm giải pháp khắc phục hậu quả vụ tấn công mạng
Tính đến nay đã có hàng nghìn máy tính ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố tấn công mạng bằng mã độc xảy ra hai ngày trước. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và khắc phục hậu quả cũng như ngăn chặn những mối đe dọa tương tự xảy ra trong tương lai. Nhiều nước châu Âu đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để đối phó với sự cố mạng nghiêm trọng trên.
Trụ sở Cảnh sát Liên minh châu Âu. Ảnh: Europol. |
Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) hôm qua cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các nước là nạn nhân của vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu trong ngày 12/5 nhằm kiểm soát mối đe dọa này và khắc phục hậu quả.
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (13/5), Trung tâm tội phạm mạng châu Âu, được gọi là EC3 thuộc Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu đã nhận định vụ tấn công lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, do đó đòi hỏi phải có một cuộc điều tra quốc tế phối hợp chặt chẽ để xác định thủ phạm. Trung tâm EC3 cũng cho biết đơn vị này đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm mạng quy tụ các chuyên gia chống tội phạm công nghệ cao có vai trò chính và hỗ trợ công tác điều tra.
Anh và Nga là hai trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau vụ tấn công mạng trên. Tại Anh, vụ tấn công mang đã khiến nhiều bệnh viện và bác sĩ không thể tiếp cận được với dữ liệu của bệnh nhân dẫn tới viên hàng loạt các cuộc cuộc phẫu thuật và các phác đồ điều trị - đã được lên kế hoạch - buộc phải đình chỉ. Ước tính đã có 48 cơ sở y tế của Anh bị ảnh hưởng sau sự cố mạng trên. Đến nay mới có 6 cơ sở y tế hoạt động bình thường trở lại.
Ngay trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ ban ngành của nước này để thảo luận các giải pháp khắc phục hậu quả.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Anh cho biết: “Có 20% cơ sở y tế của Anh bị ảnh hưởng sau vụ tấn công mạng trên. Trong số 48 cơ sở bị ảnh hưởng, có nhiểu cơ sở đã hoạt động bình thường trở lại. Mọi người sẽ ngạc nhiên khi đội ngũ y tá, bác sĩ làm việc trong các cơ sở y tế của Anh sẽ nỗ lực như thể nào để đưa mọi việc trở lại bình thường.”
Tình trạng lây nhiễm mã độc cũng đặc biệt nghiêm trọng ở Nga. Ngân hàng, các nhà ga, mạng lưới điện thoại di dộng là những bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bộ Nội vụ Nga cho biết, khoảng 1.000 máy tính của nước này đã bị nhiễm mã độc, trong đó có cả các máy tính của Bộ Nội vụ Nga. Tuy nhiên, theo bộ này, vụ tấn công bằng mã độc trên mới chỉ khoanh vùng ở cấp độ địa phương nên chưa dẫn đến một vụ rò rỉ thông tin. Bộ Nội vụ Nga cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm giảm thiểu tác động của vụ tấn công xuống mức thấp nhất.
Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan đường sắt Nga cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của vụ tấn công mạng, song cơ quan này đã nỗ lực khắc phục sự cố. Do đó, hệ thống đường sắt của Nga đã không bị gián đoạn.
Giới chức công ty an ninh mạng F-Secure có trụ sở ở Helsinki Hà Lan cho biết, tính đến nay có hơn 130.000 hệ thống mạng ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bị tấn công.
Mới đây nhất, Renault - hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 2 của Pháp, đã buộc ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất của hãng ở Pháp, Slovenia và Romania do hệ thống máy tính của hãng bị tấn công. Hiện Renault đang tìm cách khắc phục hậu quả để sớm nối lại hoạt động sản xuất. Trước đó, hãng sản xuất xe hơi Nissan của Nhật Bản thông báo nhà máy của hãng ở thành phố Sunderland, Anh đã bị tấn công.
Ngày mai là ngày làm việc đầu tuần, theo dự báo, các máy tính được khởi động, tốc độ lây lan của mã độc sẽ lây lan nhanh chóng. Điều này sẽ khiến danh sách nạn nhân của vụ tấn công mạng này có thể tiếp tục dài thêm.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, người dùng cần hết sức lưu ý hướng dẫn của chuyên gia để tránh làm mã độc bị lây lan. Bên cạnh đó, người dùng cần nâng cấp hệ thống càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị tấn công mạng. Microsoft cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí phần mềm mới khắc phục lỗi trong hệ điều hành cũ hơn của hãng. Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trưởng hợp máy tính bị nhiễm mã độc thì người dùng nên cài lại các dữ liệu đã sao lưu trước đó và không nên trả tiền cho các hacker vì không có gì đảm bảo là nếu trả tiền sẽ lấy lại được dữ liệu./.