Căng thẳng vùng Vịnh: Các nước Arap tiếp tục ra tối hậu thư với Qatar
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau khi 4 nước Arab vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia đưa ra yêu sách buộc Qatar phải thực hiện để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Đáp lại sự phản đối của Qatar, các nước Arab tiếp tục ra tối hậu thư.
Ván cờ vùng Vịnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa) |
Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Anwar Gargash hôm qua (24/06) tuyên bố, nếu Qatar không chấp nhận “tối hậu thư” thì biện pháp thay thế đối với Qatar sẽ không phải là leo thang căng thẳng mà là sự chia tay.
Ông Gargash cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia Arab đang cô lập Qatar không tìm cách lật đổ ban lãnh đạo ở Qatar nhưng sẽ chấm dứt quan hệ nếu Qatar không nhất trí thực hiện bản yêu sách gồm 13 điểm của các nước Arab và vùng Vịnh.
“Giải pháp thay thế không phải là gia tăng căng thẳng mà là sự chia tay. Tại sao chúng tôi phải chọn giải pháp này bởi lẽ sẽ rất khó để chúng tôi duy trì mối quan hệ tập thể với một đối tác có ủng hộ cực đoan và khủng bố.”
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng nói rằng, biện pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đưa ra chỉ vài giờ sau khi Qatar cùng ngày tuyên bố bản yêu sách của các nước Arab và vùng Vịnh vi phạm chủ quyền của Qatar cũng như không hợp lý.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/6, quan chức phụ trách truyền thông của Chính phủ Qatar Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani nhấn mạnh những yêu cầu của các nước Arab vượt quá mục tiêu chống khủng bố mà các nước này đề ra.
Ông Al-Thani cáo buộc việc phong tỏa ngoại giao đối với Qatar không nhằm mục đích chống khủng bố, mà nhằm tác động đến chủ quyền của Qatar và can thiệp vào chính sách ngoại giao của nước này.
Trước đó, ngày 22/6 vừa qua, 4 quốc gia Arab và vùng Vịnh này đã gửi tới Qatar bản yêu sách gồm 13 điểm thông qua nước trung gian hòa giải là Kuwait, đồng thời thông báo Qatar có 10 ngày để thực hiện tất cả các yêu cầu trong bản yêu sách, trong đó có việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt liên hệ với các nhóm cực đoan, bao gồm tổ chức Anh em Hồi giáo, và hạn chế quan hệ với Iran.
Các nước láng giềng của Qatar cũng đã phát đi tín hiệu rằng nếu Qatar từ chối tuân thủ bản yêu sách theo khung thời hạn đã định, họ sẽ tiếp tục cô lập Qatar cả về đường biển, đường bộ và đường không một cách vô hạn định, trong bối cảnh quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đang đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng gia tăng.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Qatar ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.
Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Qatar. Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, vẫn tìm cách hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện đã bước sang tuần thứ ba./.