Biểu tình bạo lực tại Catalonia phản đối bắt giữ ông Puigdemont
Chỉ vài giờ sau khi có tin tức về việc cảnh sát Đức bắt giữ ông Carles Puigdemont, cựu Chủ tịch chính quyền vùng Catalonia, trong chiều Chủ nhật (25/3, giờ địa phương), hàng chục nghìn người ủng hộ xu hướng ly khai đã đổ xuống các đường phố của thành phố Barcelona, thủ phủ của vùng Catalonia, để biểu tình phản đối.
Người biểu tình tại Barcelona giơ cao mặt nạ Puigdemont chiều ngày 25/3. Ảnh: AFP/Getty Images |
Các cuộc biểu tình đã biến thành xung đột bạo lực với cảnh sát và theo báo chí địa phương, có ít nhất 50 người bị thương.
Đây là những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ly khai kéo dài từ tháng 10/2017 tại vùng Catalonia mà hiện vẫn chưa có hồi kết.
Sau khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân ly khai bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho là vi hiến, đến cuối tháng 10/2017 ông Carles Puigdemont đã phải bỏ trốn sang sống lưu vong tại Bỉ và bị chính quyền Tây Ban Nha phát lệnh truy nã.
Sau cuộc bầu cử vào ngày 21/12/2017, với thắng lợi thuộc về các đảng theo xu hướng ly khai ở Catalonia, ông Puigdemont cũng được Nghị viện mới vùng này đề cử vào chức danh Chủ tịch chính quyền hành pháp của vùng.
Tuy nhiên, đề cử đã bị chính quyền Tây Ban Nha phong toả, dẫn đến việc ông Puigdemont tuần trước phải ra tuyên bố từ bỏ ý định theo đuổi chức danh cũ.
Trưa ngày 25/3, ông Puigdemont bị cảnh sát Đức bắt giữ ở miền Bắc nước này, gần với biên giới Đan Mạch. Luật sư của ông Puigdemont cho biết ông này bị bắt giữ khi đang trên đường về Bỉ sau một chuyến đi nghỉ tại Phần Lan.
Việc bắt giữ này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Toà án tối cao Tây Ban Nha ra phán quyết cáo buộc 13 chính trị gia ly khai ở Catalonia, trong đó có ông Puigdemont, vào tội danh “nổi loạn”.
Nếu bị Đức dẫn độ về Tây Ban Nha và bị xử theo tội danh trên, ông Puigdemont có nguy cơ phải nhận mức án tù lên đến 30 năm.
Vụ bắt giữ ông Puigdemont cũng đang làm phức tạp thêm tình thế chính trị đang bế tắc hiện nay ở Catalonia khi phe ly khai chiếm đa số trong Nghị viện vùng này đã 3 lần liên tiếp thất bại khi đề cử một người giữ chức Chủ tịch vùng.
Nếu bế tắc này kéo dài đến ngày 22/5 thì một cuộc bầu cử mới sẽ lại được tổ chức ở vùng này./.