Bài học lớn về củng cố, giữ vững và nâng cao tinh thần chiến đấu
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, trận địa tiến công của ta đã cơ bản xong và đợi giờ nổ súng. Nhưng do địch đã có những thay đổi và lường trước khả năng chiến đấu của bộ đội ta, ngày 26-1-1954, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương án tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc” để bảo đảm thắng lợi của chiến dịch.
Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng kiểm tra |
Quyết định đó phải thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến, bố trí lại binh hỏa lực trong khi bộ đội đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị tiến công. Vì thế tư tưởng từ cán bộ đến chiến sĩ đều có vướng mắc, khó “đả thông”. Trước thực tế đó, Đảng ủy và Chủ nhiệm chính trị chiến dịch đã chỉ đạo cơ quan, cán bộ chính trị các đại đoàn, trung đoàn, các đơn vị cơ sở kịp thời tiến hành công tác chính trị, tư tưởng, kiên trì giáo dục, thuyết phục, chỉ đạo giải quyết từ chi bộ, làm thông suốt nhận thức tư tưởng từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng, nên dù biết cuộc chiến đấu sẽ vô cùng gian nan, khó khăn và gian khổ, bộ đội vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Có đơn vị lui quân, nhanh chóng kéo pháo ra, khẩn trương cấu trúc lại trận địa bảo đảm thực hiện đúng phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Có đại đoàn thần tốc tiến quân sang Lào nhằm đánh lạc hướng địch...
Sau gần một tháng chuẩn bị tác chiến theo phương án mới, ngày 22-2-1954, để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, Hội nghị thống nhất tư tưởng và hạ quyết tâm đánh địch đã được tổ chức. Tổng Quân ủy kêu gọi: “Toàn thể các đồng chí phải có một quyết tâm cao độ, luôn luôn làm gương trong những giờ phút khó khăn, gay go, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu và chiến đấu liên tục, làm gương kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, để hoàn thành cho bằng được quyết nghị của Trung ương Đảng chúng ta là tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ”.
Đầu tháng 3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Chiều 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau hai đợt của chiến dịch, do thời tiết Tây Bắc bắt đầu vào mùa mưa, bộ đội xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, ngại khó khăn ác liệt; còn địch thì cố chống cự. Trước tình hình đó, ngày 19-4, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên toàn dân dồn sức chi viện cho Điện Biên Phủ giành toàn thắng. Quyết tâm của Bộ Chính trị nêu rõ: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này. Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan ở mặt trận Điện Biên Phủ cần phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong chiến dịch lịch sử này”.
Để thực hiện tốt giai đoạn 3, ngày 29-4, cơ quan tham mưu và chính trị chiến dịch phối hợp triệu tập các bí thư đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách các tổng cục, phát động một đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh với tư tưởng cầu an, dao động, ngại gian khổ hy sinh, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi và tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận... Sau đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình nghiêm túc đó, tất cả cơ quan, đơn vị trên toàn mặt trận, những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, đã có một không khí mới phấn khởi, khẩn trương tiếp tục chuẩn bị chiến đấu với quyết tâm cao hơn. Cùng thời gian này, những lá thư hậu phương tới tấp gửi đến mặt trận báo tin vui ở gia đình đã được chia ruộng đất, khát vọng ngàn đời của người nông dân đã được đáp ứng. Tất cả những hoạt động đó đã góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin và sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ở đợt tiến công cuối cùng kết thúc chiến dịch.
12 giờ ngày 1-5, ta mở đợt 3 tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Và sau một tuần, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho bộ đội khi bước vào chiến dịch đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Đờ Cát. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
Coi trọng nhân tố tinh thần, tăng cường công tác tư tưởng, xây dựng và củng cố quyết tâm là một bài học lớn rút ra từ thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, chiến tranh càng ác liệt, thì tinh thần của những người tham gia chiến dịch càng giữ vai trò quan trọng. Cũng từ những thắng lợi to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có thể rút ra một kết luận là, khi đã có phương châm và kế hoạch đúng, thì việc nhạy bén lãnh đạo giải quyết tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm có tác dụng quyết định để giành thắng lợi của toàn chiến dịch. Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã khẳng định: “Cốt lõi của tinh thần chiến đấu là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta”. Tinh thần quyết chiến quyết thắng ấy phải xây dựng nghiêm túc, thường xuyên, cả thời bình và thời chiến./.
Theo QĐND