Anh công bố kịch bản chi tiết nếu Brexit thất bại
Kịch bản “đen”, hay kịch bản tệ hại nhất với nước Anh nếu các đàm phán Brexit hiện nay thất bại, chính thức được chính phủ Anh công bố chiều 23/8. Trên thực tế, kịch bản này là một bản liệt kê một loạt các vấn đề khó khăn mà Vương quốc Anh sẽ phải đối phó trong tất cả các lĩnh vực nếu như đến ngày 30/3/2019 khi Brexit chính thức có hiệu lực mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt được thoả thuận thay thế.
Anh đã công bố chi tiết các vấn đề nước này sẽ phải đối mặt trong trường hợp Brexit diễn ra mà không đạt được thoả thuận thay thế. Ảnh: BBC |
Cụ thể, chính phủ Anh đã nêu chi tiết các vấn đề trong các lĩnh vực như tài chính, thương mại, trợ giá nông nghiệp, kiểm nghiệm thực phẩm, vận chuyển nội tạng thay thế, xử lý nhiên liệu phóng xạ dân dụng… mà nước Anh sẽ không thể giải quyết. Lí do là vì các lĩnh vực này đều đặt dưới sự kiểm soát của các luật lệ do Liên minh châu Âu thiết lập nên nếu không có các thoả thuận thay thế, Anh và Liên minh châu Âu sẽ không thể tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực này.
Tổng cộng, chính phủ Anh đã nêu chi tiết các vấn đề thuộc 25 lĩnh vực mà nếu Brexit thất bại, nước Anh sẽ không thể đơn phương xử lý. Điều đáng chú ý, đây mới là lần công bố đầu tiên và dự định đến tháng 9/2018, chính phủ Anh sẽ công bố đợt 2 về các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi kịch bản Brexit thất bại.
Giải thích cho quyết định công bố bản liệt kê chi tiết này, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh là ông Dominic Raab tuyên bố, hành động này là để cho các doanh nghiệp cũng như người dân Anh ý thức được rằng “nguy cơ Brexit không có thoả thuận rất có khả năng sẽ diễn ra”, dù đó không phải là điều chính phủ Anh mong muốn. Tuy nhiên, bản tài liệu được công bố khẳng định “ưu tiên lớn nhất của chính phủ Anh là duy trì sự ổn định”.
Hiện tại, theo con số chính phủ Anh đưa ra, có khoảng 7.000 công chức Anh đang làm các việc liên quan đến Brexit và con số này có thể tăng thêm 9.000 người nữa nếu cần thiết. Trước mắt, hải quan Anh sẽ tuyển dụng khoảng 300 người nhằm chuẩn bị cho việc nước Anh phải mở lại các trạm kiểm soát hải quan ở biên giới với Liên minh châu Âu.
Các đàm phán Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu từ hơn 1 năm qua vẫn đang bế tắc. Tại vòng đàm phán mới nhất diễn ra cuối tuần trước, hai bên vẫn không thể giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới giữa lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh với nước CH Ireland thuộc Liên minh châu Âu, cũng như bản chất mối quan hệ kinh tế tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, trước sức ép về thời gian do chỉ còn 7 tháng nữa là Brexit có hiệu lực và trên thực tế hai bên cần đạt được thoả thuận chậm nhất là vào tháng 11/2018 này, các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu đã thống nhất sẽ tiến hành đàm phán liên tục từ nay cho đến Hội nghị Thượng đỉnh EU vào cuối tháng 10/2018, chứ không chia ra làm các vòng đàm phán ngắt quãng như trước kia./.