3 mục tiêu lớn của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2018
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 14/11 khẳng định với cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018, "đảo quốc Sư tử" sẽ ưu tiên vào ba trọng tâm chính nhằm duy trì sự phát triển đầy năng động của khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: ABS News) |
Phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018, ông Lý Hiển Long cho biết Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy và duy trì trật tự khu vực dựa trên các quy tắc, nhằm giúp ASEAN có thể giải quyết tốt hơn những thách thức an ninh mới nổi như an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.
Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, giúp ASEAN trở nên thịnh vượng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, Singapore sẽ tìm ra những phương pháp sáng tạo trong quản lý và khai thác công nghệ số, nâng cao kỹ năng và năng lực cho người dân để dần thích ứng với nền kinh tế số.
Theo ông Lý Hiển Long, tất cả những mục tiêu này là nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự năng động của khu vực trước những cơ hội và thách thức
Mặt khác, ASEAN cũng sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ với những đối tác bên ngoài, điển hình là việc tổ chức các hội nghị cấp cao đặc biệt ở Australia và Ấn Độ. Đáng chú ý, năm 2018 cũng đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và 25 năm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại những diễn đàn do ASEAN lãnh đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)...
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN, đã khép lại sau 3 ngày nhóm họp với hàng loạt các hoạt động song phương và đa phương. Tham dự các hội nghị này không chỉ có lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á mà còn có sự hiện diện của lãnh đạo nhiều nước đối tác và đều là những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga..., hay các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh việc thảo luận và đưa ra tuyên bố chung, hội nghị đã đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Philippines trong năm 2017, đặc biệt là ở việc hoàn thiện dự thảo khung cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hay việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc), Hiệp định về Bảo vệ và Xúc tiến các Quyền của Lao động di cư..., nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN ổn định, cởi mở và bao trùm, mang lại sự thịnh vượng cho người dân./.