Xuống cấp tại các công trình thủy lợi vừa và nhỏ
Hồ Hợp Nhất, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương có diện tích gần 12.000 m2, dung tích chứa gần 30.000 m3 nước là công trình thủy lợi quan trọng cung cấp nước sản xuất nước nông nghiệp có nhiều xóm trong xã Tức Tranh và các xã lân cận. Nhưng từ khi được đắp và đưa vào sử dụng từ năm 1980, thì tới nay chưa được một lần trùng tu, nâng cấp. Và hiện tại nó được giao khoán hẳn cho cá nhân quản lý từ nhiều năm nay…
Hồ Hợp Nhất, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chưa một lần được trùng tu, sửa chữa và không phát huy được hiệu quả |
Anh Đào Văn Hiên người dân xóm Thâm Găng, xã Tức Tranh cho biết, hầu hết các hộ dân quanh đây đều thả cá trong hồ, khi nào có mưa bão to, hoặc nhìn thấy có nguy cơ vỡ đập thì báo cho cấp trên.
Cũng tương tự như Hồ Hợp Nhất, đập dâng nước Gốc Gạo, xã Tức Tranh được đưa vào sử dụng 10 năm nhưng không được duy tu, sửa chữa và đến nay đã mất hoàn tác công năng. Cũng vì vậy mà hơn 100ha diện tích chè đông của 3 xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô phó mặc chờ mưa xuống… Hiện cả huyện Phú Lương cả chục công trình đã xuống cấp, hoặc hỏng hẳn mà không có kinh phí để khôi phục, sửa chữa…
Phân tích nguyên nhân thực trạng trên, bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh nói "Xã cũng đã thành lập tổ thủy nông để quản lý, tuy nhiên ở các xóm, các tổ thủy nông thường giao cho hộ gia đình hoặc tổ chức trong xóm để quản lý sử dụng và để trữ nước, cấp nước, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô của cấp xóm thì việc nâng cấp, cải tạo sửa chữa còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Phú Lương cho biết thêm "Chúng tôi đã có chỉ đạo lại công tác rà soát các công trình thủy lợi chứa nước có khả năng tích trữ nước và điều hành nước để hàng năm có kế hoạch sửa chữa, tuy nhiên, đối với lĩnh vực thủy lợi thì nguồn vốn chủ yếu là thủy lợi phí và nguồn hỗ trợ lúa nước và kinh phí hàng năm rất hạn chế”.
Hiện cả huyện Phú Lương cả chục công trình đã xuống cấp, hoặc hỏng hẳn mà không có kinh phí để khôi phục, sửa chữa |
Ngoài việc xuống cấp, hỏng hóc làm các công trình thủy lợi nhỏ không phát huy mấy tác dụng, công tác quản lý còn nhiều bất cập cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn tại các hồ, đập, công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Tại một số địa phương, lực lượng cán bộ thuỷ lợi thực hiện công tác quản lý nhà nước tại cấp huyện, xã còn thiếu nên các công trình không được theo dõi sát sao và sửa chữa thường xuyên.
Bên cạnh đó, phần lớn các công trình thuỷ lợi của UBND huyện đều được giao cho UBND các xã, thị trấn phụ trách nhưng lực lượng trực tiếp quản lý lại được uỷ thác hoàn toàn cho tổ thuỷ nông, trưởng xóm hoặc các hộ dân nhận thầu diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Trong khi đó, đa số lực lượng này đều thiếu kiến thức chuyên môn nên chỉ nhận diện vấn đề tại các công trình thuỷ lợi bằng hình thức quan sát, không có thiết bị đo đạc hay tài liệu thuỷ văn.
Ông Tô Viết Sơn, Chủ Tịch UBND xã Tiên Hội, huyện Đại Từ cho biết "Mô hình HTX cũ trước kia cũng giao cho các hộ dân ở cạnh liền kề có đủ điều kiện tham gia quản lý. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã và đang đưa về để UBND xã quản lý nhưng trên tinh thần vẫn giao cho các hộ".
Nói về giải pháp khắc phục, Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đại Từ khẳng định, trong những năm qua, huyện cũng đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình thủy lợi, xếp thứ tự ưu tiên những công trình phục vụ tưới tiêu nhiều, những công trình hư hỏng nặng, sẽ xếp thứ tự ưu tiên nâng cấp sửa chữa.
Trong tổng số gần 1.300 công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh thì có tới gần 1.200 công do UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý. Đó thật sự là con số đáng lưu tâm đối với ngành nông nghiệp khi công năng các công trình này do không được duy tu, sửa chữa sẽ ngày một xuống cấp. Mặt khác các công trình này nếu không đảm bảo về chất lượng sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn trước tình hình thời tiết ngày một diễn biến phức tạp như hiện nay…/.