Xót xa bé 17 tháng bỏng nửa khuôn mặt do nước sôi
Chiều ngày 15/2, Bác sỹ Trần Hữu Ngọc - Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, sáng ngày 14/2, bệnh viện tiếp nhận cháu Lê Minh Sơn nhập viện trong tình trạng bỏng mức độ 2, ở vùng đầu, mặt và 2 bàn chân, diện tích gần 5%.
Cháu Sơn đang được điều trị tại khoa Ngoại bệnh viện ĐK Thạch Hà |
Chị Trần Thị Hải - mẹ cháu Sơn cho biết, vào khoảng 8h ngày 14/2, chị chở đứa con trai đầu đi học, để lại cháu Sơn ở nhà với ông nội. Trong khi cháu đang chơi ở trong nhà, ông đã xuống bếp nấu nước sôi pha trà, khi nước sôi ông đã bê nồi nước, thì bất ngờ cháu Sơn ở phía sau giật mình ông đã để nước đổ lên người cháu.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người nhà đã nhanh chóng sơ cứu cháu bằng cách cho nước lạnh vào vùng bỏng đồng thời đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà cấp cứu.
“Rất may trường hợp cháu Sơn khi bị bỏng được người nhà sơ cứu đúng cách, đưa tới bệnh viện kịp thời. Các y, bác sỹ đã chữa trị tích cực cho cháu nên sức khỏe của cháu đã dần ổn định và có thể xuất viện sau 1 tuần điều trị” – bác sỹ Ngọc nói.
Bác sỹ Trần Hữu Ngọc – Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà khuyến cáo:
Mỗi năm khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà tiếp nhận từ 5 đến 7 ca trẻ em bị bỏng, nguyên nhân dẫn đến các ca bỏng là do nước sôi và lửa do sự bất cẩn của người lớn. Hầu hết các ca bỏng được đưa đến Bệnh viện cấp cứu thường được người nhà sơ cứu theo biện pháp dân gian như cho nước mắm, nước cà, nước tiểu… lên các vùng bỏng nên thời gian điều trị các ca bỏng thường phải kéo dài và rất khó. Mỗi người dân rất cần được phổ biến cách sơ cứu ban đầu khi bị bỏng để tránh những trường hợp làm tăng độ bỏng cho các bệnh nhân.