Xe thiết giáp - “người bảo vệ” tin cậy của bộ binh
Nhu cầu tác chiến thay đổi
Kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự phát triển của các phương tiện cơ giới cùng với học thuyết quân sự về tăng thiết giáp dẫn đến sự ra đời của các xe thiết giáp chở quân. Được ví như “taxi chiến trường”, xe có tác dụng bảo vệ bộ binh khỏi hỏa lực súng máy, mảnh pháo trong quá trình vận chuyển.
Xe thiết giáp chở quân có tính đa nhiệm rất cao, đảm nhiệm được các vai trò chở thương binh, hậu cần, liên lạc, trinh sát, cứu hộ. Các phiên bản chuyên biệt về chống tăng, phòng không, pháo-cối tự hành sử dụng khung gầm xe mang lại tính cơ động cao cho hỏa lực, có thể chi viện bộ binh, xe tăng từ tuyến sau.
Năm 1967, một mẫu xe thiết giáp định danh BMP-1 được ra mắt ở Liên Xô (LB Nga ngày nay) đã gây bất ngờ trên toàn thế giới, định hình tiêu chuẩn “xe chiến đấu bộ binh” hiện đại. Cho đến nay, xe chiến đấu bộ binh là một phần không thể thiếu trong trang bị của các lực lượng lục quân. Trong chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực, hỏa điểm, xe cơ giới, chi viện hỏa lực. Xe cũng được phát triển nhiều phiên bản với các chức năng khác nhau. Đặc biệt, khả năng mang theo tên lửa phòng không và các phiên bản xe phòng không tự hành chuyên biệt luôn được coi là “ác mộng” đối với máy bay cường kích hoặc trực thăng.
Xe thiết giáp chở quân BTR-MD (trước) và xe chiến đấu bộ binh BMD-4 (sau) của lực lượng đổ bộ đường không của Nga. Ảnh: TASS. |
Sự thay đổi về địa hình tác chiến cùng kinh nghiệm từ các cuộc xung đột đã bộc lộ nhiều nhược điểm của xe tăng. Khối lượng nặng khiến khả năng cơ động thua kém các xe thiết giáp nhẹ ở địa hình rừng núi, đầm lầy, sông hồ. Xe tăng cũng khó xoay trở và rất dễ bị tiếp cận, tiêu diệt từ nhiều phía trong đô thị.
Trong khi đó, khả năng cơ động tốt của các xe chiến đấu bộ binh nhỏ, nhẹ giúp việc đi kèm đội hình tấn công, phòng ngự dễ dàng hơn trong địa hình phức tạp. Khi chở theo bộ binh trong khoang, khả năng bao quát các hướng và phản ứng của kíp xe tốt hơn trước các hiểm họa cho xe thiết giáp. Có thể ví xe chiến đấu bộ binh như một “công sự di động” chi viện hỏa lực cho bộ binh và ngược lại được bộ binh bảo vệ từ mọi hướng.
Phương tiện chiến đấu linh hoạt, hiệu quả
Xu hướng phát triển xe thiết giáp ngày nay chú trọng tính đa năng, chi phí phải chăng, khả năng bảo vệ và hỗ trợ bộ binh. Khối lượng nhẹ khiến xe cần động cơ công suất thấp, ít hao nhiên liệu hơn động cơ xe tăng. Một số dòng xe chiến đấu bộ binh kích thước nhỏ, có lợi thế trong phòng ngự do là mục tiêu khó bắn trúng và dễ dàng ngụy trang. Vũ khí cho xe cũng được tăng cường theo các tiến bộ công nghệ. Tên lửa chống tăng có tầm bắn xa và khả năng xuyên giáp tốt hơn. Pháo tự động đa chức năng có thể đảm nhiệm được vai trò phòng không tầm thấp.
Đáng chú ý phải kể đến xe BMD-4 dành cho lực lượng đổ bộ đường không (VDV-Nga), có khối lượng nhẹ nhất nhưng được vũ trang như xe chiến đấu bộ binh hạng nặng với 1 pháo 100mm có khả năng phóng tên lửa chống tăng và 1 pháo tự động 30mm. Nhiều mẫu tháp pháo cải tiến đã và đang được giới thiệu để thay thế, tăng cường hỏa lực cho các xe thiết giáp cũ. Một số biến thể khác sử dụng khung gầm xe, hy sinh tính chở quân nhưng trang bị pháo chính tương đương xe tăng, trở thành các “xe thiết giáp chiến đấu” mang đặc tính của xe tăng hạng nhẹ. Có thể lấy ví dụ xe M1128 của Mỹ dựa trên thiết giáp bánh hơi “Stryker” được trang bị pháo 105mm, hoặc Sprut-SD dựa trên xe BMD-3, trang bị pháo 125mm.
Nhược điểm về vỏ giáp của xe thiết giáp cũng được giảm với sự ra đời của các loại giáp phức hợp, giáp phản ứng nổ và các hệ thống phòng thủ chủ động. Khung gầm xe tăng cũng có thể được hoán cải thành xe chiến đấu hộ vệ tăng như BMPT của Nga hay Namer của Israel...
Có thể thấy, xe thiết giáp ngày nay có thể đảm đương được vai trò hỏa lực quan trọng trong nhiều tình huống. Tính năng tác chiến của xe phù hợp trong các địa hình bất lợi cho xe tăng, đồng thời vũ khí cũng đã và đang được cải tiến để bổ sung, thay thế xe tăng. Khung gầm xe thiết giáp có thể được hoán cải dễ dàng thành các phiên bản phục vụ mọi nhu cầu khi tác chiến của bộ binh, tạo tính linh hoạt và giảm áp lực cho các đơn vị hậu cần, kỹ thuật./.