Xe quá tải tiếp tục hoành hành tại tuyến Đê Chã, Phổ Yên
Xe quá tải liên tục lưu thông trên Đê Chã phớt lờ biển cấm xe có trọng tải từ 12 tấn trở lên |
Từ ngày 1/7/2016, Nghị định 132 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), cho phép lực lượng cảng vụ ĐTNĐ được xử phạt hành vi chở quá tải bằng ôtô từ cảng, bến thủy nội địa. Tuy nhiên, tình trạng xe tải chở quá tải xuất phát từ các bến thủy nội địa, tại cụm cảng Đa Phúc thời gian qua vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên dọc tuyến Đê Chã, đường vào cụm cảng Đa Phúc, hầu hết các xe chở than, vật liệu xây dựng như: cát, sỏi, xi măng, phôi thép, xe bồn chở xăng trọng tải có xe trên 30, 40 tấn đến 60 tấn vẫn ngang nhiên lưu thông tung hoành…Các phương tiện này đều xuất phát từ các bến cảng, sau đó di chuyển dọc theo Đê Chã hướng về phía Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Hà Nội. Mặc dù, ngay đầu đường rẽ từ Quốc lộ 3 vào Đê Chã được cắm biển hạn chế trọng tải là cấm các xe có trọng tải từ 12 tấn trở lên. Song, dường như biển cấm này lkhông có hiệu lực trước các lái xe trọng tải lớn.
Một xe quá trọng tải cho phép đi vào Đê Chã bốc than tại khu vực bến cảng Đa Phúc |
Theo người dân trong khu vực cho biết: trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt xe trọng tải lớn, có nhiều xe chở hàng tải trọng vượt gấp 3 đến 4 lần tải trọng được phép đi qua Đê Chã. Thân đê hàng ngày phải oằn mình gánh chịu sức nặng của các phương tiện cơ giới mặc dù thường xuyên được nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp.
Sống ở khu vực này, hàng ngày phải chịu cảnh bụi cuốn từ các xe tải lưu thông trên tuyến Đê Chã, nhiều người dân phản ánh, các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi bốc xếp hàng hóa khu vực cụm cảng Đa Phúc này rất thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và đi lại của người dân.
Mặc dù, các xe quá tải mặc sức tung hoành, song có một điều lạ là trên cả tuyến đê không thấy bóng dáng của bất kỳ lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý về tải trọng nào. Trong khi đó, tại các bến trong cảng, việc bốc hàng hóa lên các xe hoàn toàn do người điều khiển máy xúc chủ động, chất hàng vượt ngọn thùng xe. Phía bên ngoài cảng, bến cũng không hề có bộ phận nào kiểm soát.
Cụm cảng Đa Phúc là đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, có khoảng 15 bến, trong đó có 10 bến hoạt động có giấy phép. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô, tàu thuyền qua lại phục vụ vận chuyển. Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận tải của các phương tiện là vô cùng quan trọng. Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ nội địa tại Thái Nguyên cho biết: "Trong năm 2016, với nhiệm vụ được giao, đơn vị Cảng vụ nội địa tại Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra việc bốc dỡ hàng hóa quá tải được gần 100 lượt, xử phạt vi phạm quá tải trọng đối với phương tiện ô tô tại bến với số tiền 61 triệu đồng".
Lực lượng Cảng vụ nội địa kiểm tra việc bốc dỡ hàng hóa tại các bến, bãi cảng Đa Phúc |
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ nội địa tại Thái Nguyên cho biết thêm: "Mặc dù, Chính phủ đã có quy định mới giao thẩm quyền cho lực lượng cảng vụ đường thủy được kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp bốc xếp hàng quá tải từ cảng, bến thủy lên phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lực lượng cảng vụ mỏng, nên không đủ lực lượng vừa làm công tác cảng vụ đường thủy vừa thường trực để kiểm tra, xử lý vi phạm bốc xếp hàng quá tải đường bộ".
Thực tế hiện nay, việc hoạt động vận chuyển hàng hóa tại các: bến bãi cảng sông ở khu vực cảng Đa Phúc, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá lộn xộn. Các xe chở quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, phá hỏng đường sá. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vi phạm, chưa được cấp giấy phép vẫn hoạt động ngang nhiên mà chưa bị xử lý. Để ngăn chặn được những vi phạm này là rất khó và cần sự phối hợp của các ngành chức năng, sự vào cuộc của chính quyền thị xã Phổ Yên và cần phân trách nhiệm rõ ràng giữa lực lượng cảng vụ đường thủy và trật tự giao thông đường bộ./.