Xây dựng vùng chuyên canh chè Tân Linh
Bà con xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) thu hái chè xuân. |
Xã Tân Linh chỉ có 123ha ruộng, chủ yếu là các diện tích xen kẹp giữa những đồi núi. Thêm vào đó, địa hình đồi núi dốc, khó chủ động nguồn nước tưới nên càng khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng không vì thế mà kinh tế ở đây kém phát triển, với sự cần cù, chịu khó, người dân Tân Linh đã biết đầu tư phát triển cây trồng chủ lực là cây chè, để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cây chè đã bén rễ, đâm chồi trên đất này từ trước năm 1965, thời điểm đó, một số hộ dân từ Thái Bình, Hà Nam Ninh nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, lên đây khai hoang trồng chè, lúa, ngô… theo năm tháng, diện tích chè ở đây cứ tăng dần, những vùng đất trống đồi núi trọc đã được phủ kín màu xanh của chè. Đến nay toàn xã có trên 629ha chè, trong đó có 546ha chè kinh doanh, là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Đại Từ với trên 90% hộ dân trồng chè. Cây chè trở thành nguồn thu chính của hơn 1.600 hộ dân, chiếm 98% số hộ trong xã.
Cùng với việc phát triển diện tích chè, những năm qua, xã Tân Linh đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Trong đó, xã quan tâm nhất đến việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chè giống cũ sang các loại chè giống mới. Việc chuyển đổi giống chè được thực hiện mạnh từ năm 2014. Được Nhà nước hỗ trợ 100% giá giống, xã đã tuyên truyền đến người dân về lợi ích, năng suất, chất lượng của chè giống mới, qua đó ngay trong năm, 566 hộ trồng chè tại 14/14 xóm trên địa bàn xã đã thực hiện trồng thay thế 100ha chè trung du bằng các giống chè mới LDP1 và Kim Tuyên. Đến nay diện tích giống chè mới trên toàn xã đạt trên 240 ha, chiếm 40% diện tích chè toàn xã.
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng xóm 10 cho biết: Được tuyên truyền và tham gia các lớp tập huấn, người dân trong xóm đã thay đổi tư duy và tích cực chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi sang trồng chè cành như Kim Tuyên, LDP1…Đến nay, toàn xóm có 35/41ha (chiếm hơn 85%) là các giống chè cành. Năng suất chè hiện đạt từ 20 đến 25kg/sào, giá bán khoảng 180 đến 220 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 5 đến 10 kg/sào và giá gấp 2 lần chè trung du.
Nhờ tích cực chuyển đổi giống mới, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên giá trị sản phẩm chè của xã ngày càng được nâng lên, đời sống người dân được cải thiện. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, hơn 42% diện tích chè trong xã là giống chè cành, thu nhập trung bình gần 300 triệu đồng/ha.
Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, nhằm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tân Linh, nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, xã có hơn 20ha chè tại xóm 11 được sản xuất theo quy trình này. Với hơn 50 năm trồng chè, bà con xóm 11 đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè và biết làm thế nào để sản phẩm chè có được chất lượng tốt, giá thành cao. Từ năm 1995 đến nay, nhiều loại máy móc đã được đưa vào quá trình sản xuất chè, giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến năm 2012, khi có lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn, nhân dân xóm 11 đã nhiệt tình tham gia, và đăng ký áp dụng thực hiện. Sau một thời gian triển khai thực hiện, những tổ viên trong tổ hợp tác chè đã thay đổi được thói quen canh tác cũ, biết cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, sản phẩm chè VietGAP của Tân Linh cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Xóm có 96 hộ thì 87 hộ chuyên làm chè với tổng diện tích 60ha, mỗi năm xóm xuất bán khoảng 200 tấn, doanh thu đạt 16 tỷ đồng.
Chúng tôi đến Tân Linh vào đúng tiết Xuân, trên khắp đồi trên, bãi dưới, đâu đâu cũng thấy chè đâm búp non mơn mởn. Ai cũng phấn khởi bởi một vụ thời tiết thuận lợi, chè xuân được mùa. Nhờ đầu tư mạnh cho cây chè, nên các sản phẩm chè của xã Tân Linh ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Đặc biệt, sau khi sản phẩm trà của 2 xóm: xóm 11 và 12 được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, chè Tân Linh càng được nhiều người biết đến. Đời sống người dân vùng chè cũng nhờ đó mà ngày càng khá giả. Xã có hơn 2.000 hộ, đến nay chỉ còn hơn 20 hộ nghèo, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà khang trang, mua được ô tô.
Ông Hoàng Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Tân Linh cho biết: Xã đang tập trung xây dựng Tân Linh thành vùng chuyên canh chè. Với xu thế hướng tới sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao, hiện nay xã đang tích cực vận động nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ra các xóm thông qua công tác tuyên truyền và nhiều hình thức khác, đặc biệt là lồng ghép vào các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật.