Xây dựng thành phố ngầm ở TPHCM là “nhiệm vụ bất khả thi”?
Ì ạch dự án bãi xe ngầm
Khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM 930ha là khu vực có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng có xây dựng tầng hầm với diện tích hơn 11ha, hầu hết được sử dụng đậu xe và hoạt động thương mại.
Tốc độ phát triển đô thị nhanh, để xây dựng các công trình công cộng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đòi hỏi các thành phố phải chú trọng phát triển không gian ngầm, đô thị ngầm. TPHCM cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Bãi giữ xe tại công viên Lê Văn Tám (quận 1). Nơi đây được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm nhưng nhiều năm trôi qua vẫn "án binh bất động" |
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, 2 khu vực được nghiên cứu tổng thể để quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là khu trung tâm 930ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực trọng điểm xung quanh hệ thống nhà ga metro, dự kiến rộng 150ha khu vực trung tâm thành phố.
Theo quy hoạch được duyệt, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến metro có đến 73km đoạn tuyến đi ngầm và 72 nhà ga ngầm. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành được quy hoạch là một tổ hợp không gian ngầm giao thoa giữa 4 tuyến đường sắt đô thị (tuyến 1, 2, 3a và số 4) và khu trung tâm thương mại ngầm.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có các công trình ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1 đang xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.
Đó là câu chuyện của phát triển không gian ngầm gắn với đường sắt đô thị. Còn thực tế nhiều năm qua, TPHCM cũng đầu tư phát triển không gian ngầm phục vụ cho các hoạt động giao thông.
Khu trung tâm cũng quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm gồm công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá thuộc công viên Tao Đàn. Dự kiến, khi đưa vào khai thác, 4 bãi đậu xe ngầm đáp ứng được 6.300 xe ô tô và 4.000 xe máy.
Tuy nhiên, các dự án này đều triển khai rất chậm do vướng nhiều thủ tục pháp lý và nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có cả vấn đề kinh phí. Có thể nói, TPHCM đang thất bại trong việc xây dựng các bãi đậu xe ngầm.
Tận dụng metro để phát triển đô thị ngầm
Với vai trò tư vấn lập quy hoạch không xây dựng ngầm TPHCM, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM) cho biết hiện nay còn vướng nhiều vấn đề từ mục tiêu cho tới nội dung, kỹ thuật, thông tin dữ liệu đầu vào, kể cả trình độ còn hạn chế.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM |
“Chúng ta cần thu thập và khai thác tốt dữ liệu của thành phố. Đây là cái khó để lập quy hoạch không chỉ của công trình ngầm mà của cả quy hoạch chung của thành phố. Ngoài ra, năng lực tài chính để phù hợp với mục tiêu quy hoạch cũng là vấn đề khó hiện nay”, TS Cương nói.
Cũng theo ông Cương, vấn đề sát sườn nhất của quy hoạch ngầm là khai thác khu vực xung quanh các nhà ga tàu điện ngầm như thế nào để hỗ trợ cho phát triển giao thông ngầm.
Theo nhiều chuyên gia đô thị, hiện có tình trạng các đơn vị “cát cứ” cơ sở dữ liệu về hiện trạng không gian ngầm. Tiền Nhà nước đầu tư để thực hiện các đề tài thu thập dữ liệu nhưng không hiệu quả vì “cát cứ”, thiếu công khai. Không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó cho việc xây dựng cũng như quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) chia sẻ bất cập về việc thiếu dữ liệu để kết nối các công trình ngầm. Trước đây, thành phố đồng ý cho xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tầng hầm của tòa nhà 171 Đồng Khởi và 72 Lê Thánh Tôn (quận 1) để thêm lối thoát nạn. Tuy nhiên, sau một năm thiết kế, tìm hiểu thì phát hiện khu vực này có hệ thống cấp nước chính của thành phố đi qua nên đành gác lại.
Trung tâm thương mại ngầm tại nhà ga ngầm Bến Thành, thuộc dự án metro Bến Thành - Suối Tiên (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM) |
Trong khi đó, đến từ một tập đoàn xây dựng hàng đầu của Nhật Bản, TS Phan Hữu Duy Quốc đề nghị thành phố lưu ý hàng loạt vấn đề khi xây dựng công trình và sử dụng không gian ngầm trong khu vực đô thị.
Trong đó, có kế hoạch phòng cháy chữa cháy hợp lý vì tác động việc cháy nổ công trình ngầm thường rất nghiêm trọng. Biện pháp phòng ngừa ngập nước cần được đầu tư công sức vì công trình ngầm rất dễ bị ngập nước khi có mưa to hay lũ lụt, đồng thời cần chú ý đến tác động của việc lún nền do khai thác nước ngầm.
Với kinh nghiệm làm việc tại một trong những nước đi đầu thế giới về sử dụng không gian ngầm, TS Quốc chỉ ra một số nhóm việc quan trọng cần triển khai đồng thời gồm nắm bắt hiện trạng công trình ngầm; cần “đối xử” với không gian ngầm tương tự với không gian trên mặt đất, từ đó đưa ra chính sách phù hợp; hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó cần làm rõ sở hữu về không gian ngầm, quyền sử dụng không gian ngầm; nắm bắt công nghệ xây dựng công trình ngầm.
TS Quốc đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của cơ sở pháp lý đối với việc sử dụng không gian ngầm. “Người dân có quyền sử dụng không gian ngầm của khu đất mình đang sử dụng hay không? Hay đơn vị nào đó muốn làm đường hầm bên dưới thì làm?", TS Quốc đặt vấn đề.
Theo ông, dưới nhà dân là tàu điện ngầm thì họ sẽ mất quyền lợi trong tương lai vì muốn phát triển không gian ngầm cũng không được. Do đó, đất bán cũng không còn giá trị như xưa. Vì vậy, nếu không có quy định cụ thể thì rất khó phát triển không gian ngầm.
Theo TS Quốc, Nhật Bản phân loại sử dụng không gian ngầm theo độ sâu. Trong đó, độ sâu nhỏ từ 10-20m gồm các hầm kỹ thuật chung, tầng hầm các tòa nhà...; độ sâu trung bình từ 20-40m thường có tàu điện ngầm, bãi đỗ xe...; độ sâu lớn là từ 40m trở xuống.
Về quyền lợi sử dụng, khu vực không gian ngầm dưới 40m thì các công ty có thể phát triển các dự án mà không cần phải mua. Còn từ 40m trở lên thì phải mua với giá từ 20-40% so với giá trên mặt đất tùy theo khu vực, vì sử dụng không gian ngầm của người dân.
“Ở Nhật Bản, không gian ngầm cũng có giá trị của nó chứ không phải muốn sử dụng là được vì người dân có sở hữu trên thì có sở hữu dưới. Muốn sử dụng thì phải mua”, TS Quốc nói.
Đường hầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên |
Về việc sử dụng không gian ngầm ở TPHCM hiện nay, TS Võ Kim Cương cho biết cấp phép sử dụng không gian ngầm cũng như theo quy hoạch trên mặt đất. Tức là chỗ nào chưa có quy hoạch thì đành cấp phép, khi đó nhà đầu tư, người dân có thể tạo được không gian ngầm. Chẳng hạn như khu vực quy hoạch cho metro ngầm thì cấp phép cho công trình ngầm khác phải “né” ra và có hành lang an toàn.
“Vấn đề sắp tới là phải nghiên cứu nối kết các không gian ngầm như thế nào? Nếu có nhu cầu, Nhà nước phối hợp với người dân như thế nào? Việc này cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết”, TS Cương nói.