Vượt quá 100 ngàn BHYT không chi trả, người bệnh chạy hết lên tuyến trên
Bất cập vượt quá 100 nghìn không được thanh toán tại Trạm y tế xã
Tại cuộc họp tổng kết công tác ngành y năm 2017 diễn ra sáng 19/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các nước đều kêu Việt Nam đang làm rất ngược bởi ở các nước, tuyến cơ sở bao giờ cũng được đầu tư, chiếm ít nhất 39% chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) thì bệnh nhân mới bớt lên tuyến trên.
Theo bà Tiến, đây là sự bất cập trong cơ chế tài chính. Bởi với gói BHYT thanh toán trước nay cho tuyến xã chỉ dưới 100.000 và danh mục thuốc, danh mục kĩ thuật nghèo nàn như vậy thì người dân không tin vào trạm y tế xã, nên vượt lên tuyến trên làm quá tải, chi phí lớn, tốn kém thời gian. Với mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân mà với y tế cơ sở như hiện nay sẽ rất khó khăn.
Sắp tới Bộ Y tế sẽ đề nghị BHXH phối hợp chặt chẽ, chuyển những bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... sau khi đã có chẩn đoán, điều trị theo phác đồ tuyến tỉnh, tuyến huyện thì về tuyến xã nhận thuốc. Chỉ ở những thời điểm cần kiểm tra định kỳ mới chuyển lên tuyến trên, vừa giúp giảm tải vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho người bệnh.
“Nhưng để làm được điều này, chi phí cho tuyến xã, các danh mục thuốc, mức chi trả tuyến xã cũng phải cao hơn. Để làm được điều này BHXH phải đổi mới toàn diện tư duy toàn diện, chi cho trạm y tế xã và bệnh viện huyện nhiều hơn, thay vì chi cho bệnh viện tỉnh và trung ương tốn rất nhiều, khi bệnh đã nặng rồi. Hiện nay tuyến xã tổng chi chỉ chiếm 3 – 5% BHYT.
Mọi người đến đây bảo tại sao Việt Nam đã nghèo lại không thông minh. Phải thông minh lên để chi cho ở dưới là trạm y tế và y tế dự phòng. Với mức thanh toán tuyến cơ sở chỉ 70-100 ngàn đồng, vượt lên là không thanh toán thì người ta chỉ lên tuyến huyện để lấy thuốc tốt hơn thôi và lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương, vượt tuyến hết”, Bộ trưởng nói.
Giảm ngoạn mục quá tải
Theo Bộ trưởng Tiến, đến nay, dù quá tải vẫn còn ở các BV tuyến cuối như ung bướu, chấn thương chỉnh hình nhưng số liệu thống kê, tình trạng quá tải đang giảm xuống ngoạn mục trong 5 năm qua. Tuyến Trung ương hiện giảm còn 12%-15% giường bệnh nằm ghép, thay vì 50%-60% như thời điểm năm 2012; tuyến huyện hiện còn 10%-11% thay vì 20%-40%.
"Năm 2018, 100% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến TP tại TP Hà Nội và TP HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện.
“Bộ mặt bệnh viện đã khang trang xanh, sạch đẹp, thái độ đã thay đổi rõ rệt, có những phòng khám bác sĩ đến chào bệnh nhân buổi sáng. Kết quả khảo sát trực tuyến hơn 1 triệu phiếu trong 1 năm thì tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%. Khảo sát độc lập của Viện Chất lượng sau khi người bệnh đã xuất viện cho thấy có tới hơn 80% người bệnh hài lòng với quá trình khám chữa bệnh tại cơ sở y tế trước đó. Điều đó chứng tỏ nỗ lực thay đổi mới chất lượng phục vụ đã được người bệnh ghi nhận”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng Tiến báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết nhiệm vụ bao trùm nhất trong năm 2018 là triển khai đề án y tế cơ sở để tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân, cũng như tinh thần nghị quyết về y tế và dân số, làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao tuổi thọ, thể lực, có chất lượng cuộc sống tốt.
Sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, trao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập. Có tỉ lệ chi trả hợp lý để người dân khám ở tuyến dưới, không phải lên tuyến trên.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp, tiến tới 2020 cơ bản kiểm soát quá tải bệnh viện, những năm tới sẽ mở rộng liên thông kết quả xét nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương ngành y tế đã rất nỗ lực, kết quả trong năm qua rất toàn diện.
Về câu chuyện giá dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng đánh giá là vấn đề vô cùng khó, riêng ngành y tế không quyết định được.Cái này khó đến mức ngay khi bàn nghị quyết TƯ, ngay cả đồng chí Bộ Chính trị còn băn khoăn liệu có ban hành được không nhưng rất quyết tâm.
Về đấu thầu thuốc tập trung, Bộ Y tế đấu thầu giảm 17% nhưng vẫn làm được ít, mới có hơn 10 loại hoạt chất, Bộ y tế đấu thầu giảm 17%, BHXH giảm trên 20%. Nếu tới đây làm tiếp cơ chế này thì phải làm biệt dược hết thời hạn bảo hộ, làm sao cả thiết bị y tế, vật tư y tế nữa. Giờ nhiều vật tư như kim, van, găng tay... nếu làm tốt tiết kiệm dược rất nhiều tiền. Đấu thầu cấp tỉnh qua 3 năm tiết kiệm hơn 30%, tới đây phải kiên trì, tiếp tục đấu thầu tập trung quốc gia, vướng đâu báo cáo Thủ tướng, không nên câu nệ với mục đích cuối cùng là giảm tiền thuốc.
Thị trường thuốc Việt Nam hiện nay là trên 4 tỷ đô la, nếu giảm được 10%, trong đó có biết bao người nghèo sẽ đỡ gánh nặng. Hiện nay, thuốc điều trị ung thư vẫn cao hơn trong khu vực, nhất định phải làm giảm xuống.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc đầu tư cho cơ sở, nhiều nơi cơ sở vật chất khang trang nhưng buồng vì không hiệu quả. “Tôi đi nhiều nơi, có phòng rất rộng nhưng hỏi thì tuần có 1-2 người bệnh đến khám”, Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Về cơ chế tự chủ bệnh viện, Phó Thủ tướng khuyến khích ngành y đẩy mạnh tự chủ, không nên nghĩ chỉ BV Trung ương mới tự chủ được, mà nhiều y tế cơ sở hoàn toàn tự chủ được.
“Khi đã tự chủ được, chất lượng tăng lên người dân sẽ đến khám bệnh. Anh em ở các tuyến, không chỉ được thanh toán, có thu nhập mà tay nghề lên”, Phó thủ tướng khuyến khích.
Đặc biệt về công nghệ thông tin, Phó thủ tướng cho rằng dường như chúng ta chưa hiểu đúng bản chất. “Giờ công nghệ thông tin phải bằng kỷ cương, ai cũng ngại ban đầu cả, ngại bị giám sát, phải minh bạch. Tôi đề nghị, tất cả trạm y tế cơ sở có các chương trình phần mềm làm đồng loạt, sau đó Bộ y tế phải lệnh Bệnh viện tuyến trên, công ty nào làm dịch vụ công nghệ thông tin tại các bệnh viện phải cập nhật bệnh án điện tử. Bệnh án này không chỉ phục vụ thanh toán BHYT, quan trọng hơn cập nhật vào hồ sơ cá nhân được thì sau 1 vài năm mới có đủ thông tin theo dõi sức khỏe cho người dân.