Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng
May hàng xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN) |
Do nhu cầu mở rộng sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm hoặc trang bị thiết bị mới, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề.
Nhu cầu tăng cao
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai), tại sàn giao dịch việc làm vừa diễn ra tại trung tâm vào trung tuần tháng 9/2019 có 19 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giày da, cơ khí, dệt may, nội thất… tham gia với nhu cầu tuyển hơn 870 lao động; song chỉ có khoảng 380 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm đến giao dịch.
Kết quả, số hồ sơ được tiếp nhận tại sàn là 187, dự kiến khoảng 130 lao động được tuyển dụng.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên phụ trách nhân sự của Công ty HyoSung Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết HyoSung Việt Nam là công ty 100% vốn Hàn Quốc, sản xuất đa ngành nghề, trong đó chủ yếu là sản xuất sợi thép, sợi bố..., cung cấp nguyên vật liệu trong ngành sản xuất lốp ôtô và công nghiệp dệt may.
Công ty có nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề ở các khối kỹ thuật nhưng rất khó để tuyển đủ và còn có nhu cầu tuyển nhân sự cho bộ phận hành chính, phiên dịch…
Để thu hút lao động, công ty có nhiều ưu đãi, phụ cấp dành cho người lao động như trợ cấp chi phí đi lại, hỗ trợ kinh phí học nghề, học ngoại ngữ, chế độ, lương, thưởng…
Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Thành phố trong tháng 9/2019 khoảng 25.000 chỗ làm, tăng khoảng 20% so với tháng 8.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề là vận tải-kho bãi-xuất nhập khẩu, kinh doanh tài sản-bất động sản, công nghệ thông tin, cơ khí-tự động hóa, kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng, điện tử-cơ điện tử…
Thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng là thực trạng chung của khá nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tại một số cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng như các doanh nghiệp trong nước…, tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có kỹ thuật luôn được đại diện các doanh nghiệp đề cập.
Trước đó, theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, tổng nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng của năm 2019 tăng gần 14,5% so với cùng thời điểm năm 2018.
Trong khi đó, lượng người tìm việc lại giảm gần 21%. Theo biểu đồ cung – cầu 6 tháng đầu năm 2019, thị trường lao động tại Bình Dương có sự biến động qua từng tháng, doanh nghiệp thường xuyên ở trong tình trạng thiếu lao động và phải liên tục tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp luôn phải đối mặt với tình trạng mất ổn định về lao động.
Tăng cường kết nối cung-cầu
Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Nguồn: Vietnam+) |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết tình trạng thiếu lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tăng cường thực hiện việc kết nối các nguồn lao động với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương liên kết với các Trung tâm Dịch vụ ở các địa phương để tìm kiếm nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
Sở cũng chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động.
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục làm đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực, qua đó cung cấp sớm các thông tin tuyển dụng đến học sinh, sinh viên các trường nghề.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm, sau mỗi phiên giao dịch việc làm, một số công ty chưa tuyển đủ lao động trực tiếp tại sàn trong phiên giao dịch sẽ được Trung tâm hỗ trợ tham gia phiên giao dịch tiếp sau.
Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động kết nối việc làm thông qua việc đăng thông tin tuyển dụng tại văn phòng trung tâm và tại các văn phòng đại diện của trung tâm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở dạy nghề đã tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối thông qua ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp và nhà tuyển dụng gặp gỡ, trao đổi các yêu cầu với mục đích người lao động sớm có việc làm, còn doanh nghiệp tuyển được đúng, đủ nhân lực.
Tại Ngày hội việc làm diễn ra tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), một số doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí, cơ điện-điện tử đã tuyển dụng được nhân sự phù hợp.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật ngành Điện nên em và các bạn cùng khóa thuận lợi khi tìm việc làm.
Hiện Thùy Linh và một số sinh viên cùng lớp đã được các doanh nghiệp nhận vào làm với mức lương khá hấp dẫn, từ 6,5-8,5 triệu đồng/tháng.
Tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo đang tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường thực hiện các chính sách phúc lợi, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, tạo môi trường làm việc ngày càng tốt hơn để thu hút được lao động lâu dài./.