Võ Nhai: Sản lượng cây lương thực vụ mùa liên tiếp giảm do khó khăn trong sản xuất
Trở lại thăm gia đình anh Đỗ Văn Cường, ở xóm Nà Canh, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai những ngày cuối năm cùng cán bộ khuyến nông xã. Chúng tôi nhận thấy nét đượm buồn hiện trên khuôn mặt người nông phu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà không mấy khang trang, anh Cường cho biết: Năm 2016, gia đình anh còn thâm canh khoảng 10 sào ngô, nhưng năm nay thì bỏ trắng. Nguyên nhân là do giá ngô giảm, điều kiện canh tác thì khó khăn, giá phân bón tăng nên thu hoạch khó có lãi. Vì vậy, kinh tế của gia đình năm nay có phần chật vật hơn.
Cây đỗ tương sản lượng giảm đáng kể do ảnh hưởng của thời tiết |
Được biết, không chỉ có gia đình anh Cường, mà trong năm 2017 diện tích ngô của Phương Giao đã giảm khoảng 70 ha, còn trên toàn huyện Võ Nhai diện tích và sản lượng cũng ít hơn hoảng 10% so với kế hoạch. Chia sẻ với chúng tôi, anh Cường nói: “Người dân xã Phương Giao bây giờ chủ yếu là trồng lúa để tự cung tự cấp cho gia đình. Còn cây ngô, cây đậu tương bây giờ rất ít người trồng, lác đác chỉ có vài gia đình có diện tích rộng, dễ canh tác trồng để giữ đất thôi.”
Không chỉ có cây ngô, mà với cây đỗ tương, tuy chỉ giảm khoảng 10% diện tích so với năm ngoái, nhưng đến vụ thu hoạch thì toàn bộ diện tích này ở Phương Giao gần như mất trắng do gặp mưa, không thể thu hoạch và bảo quản. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất cũng như đời sống cuả bà con nơi đây. Nói về thực trạng trên, Anh Hoàng Văn Tặng, người dân trong xã cho biết: “Vỏ của cây đỗ tương mỏng, gặp mưa 2 – 3 ngày thì cây đỗ chưa thu hoạch sẽ bị thối nhũn, không thể tận dụng để làm gì khác… Do đó, gần như mất trắng”.
Ngô lai bây giờ không còn là cây trồng mũi nhọn của huyện Võ Nhai |
Hỏng do tác động của thời tiết, cùng với đó sự tác động của nhiều nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây. Là một cán bộ khuyến nông chuyên trách lâu năm trên địa bàn, anh Hoàng Quốc Trung cho biết: “Đối với sản phẩm từ cây ngô và cây đỗ tương hiện tại các đầu thu mua không ổn định; giá cả thấp, điều kiện canh tác khó khăn, tư thương viện lý do cước vận chuyển, khó cạnh tranh với ngô nhập nên ép giá bà con. Hiện tại, người dân Phương Giao đã chuyển sang trồng keo và các cây lâm nghiệp khác”.
Vụ mùa năm 2017, Võ Nhai dự kiến sản xuất 52.000 tấn lương thực có hạt. Tuy nhiên, chỉ có diện tích lúa và khoai gieo trồng là đạt và vượt kế hoạch còn lại các cây cây lượng thực khác đều giảm, trong đó: đỗ tương chỉ đạt 58%, lạc 84%, ngô 89%. Tổng sản lượng chỉ đạt trên 49.000 tấn, giảm gần 4% so với cùng kỳ. Sở dĩ dẫn đến tình trạng trên, ngoài lý do bất lợi của thời tiết việc Nhà nước ngừng trợ giá và các dự án khuyến nông hết thời gian triển khai cũng tác động đến tâm lý và việc dừng canh tác của bà con nông dân…
Ông Phạm Tiến Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai |
Ông Phạm Tiến Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: “Những vùng, khu vực canh tác nào phù hợp, ngành nông nghiệp huyện sẽ chỉ đạo chuyển đổi thâm canh sang cây ăn quả như 2 xã Tràng Xá và Phương Giao với cây trồng chủ lực là Bưởi Diễn, cây Na. Còn khu vực canh tác nào đất dốc khó thâm canh, bạc mầu sẽ định hướng bà con chuyển sang trồng rừng, sản xuất, cây lâm nghiệp để phát triển kinh tế, không để hoang hóa đất đai…”.
Mặc dù Thái Nguyên đã đảm bảo an ninh lương thực nhưng nếu sản lượng lương thực liên tục tụt giảm như hiện nay thì rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn về an ninh lương thực trong những năm tới. Vì vậy, để đảm bảo sản lượng lương thực trong xu thế diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng suy giảm các địa phương cần thay đổi cơ cấu giống và phương pháp canh tác. Gắn việc chuyển đổi cơ cấu giống với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Việc để giảm diện tích và sản lượng liên tiếp là vấn đề đáng được lưu tâm, cần giải quyết để đảm bảo bền vững, lâu dài đời sống, cũng như phát triển kinh tế của nông dân những huyện vùng cao như ở Võ Nhai.