Vĩnh Phúc: Vượt khó thành công, thêm 3 xã sắp chạm đích
Hầu hết các đường giao thông liên thôn, xã ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã được bê tông hóa, rộng rãi, sạch đẹp. Ảnh: V.T |
Giải quyết nợ để hoàn thành nhiệm vụ
Năm 2011, xã Hoàng Đan (Tam Dương) bước vào xây dựng NTM với rất nhiều khó khăn: Xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 3/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, dân trí hạn chế, người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM…
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách quan trọng về xây dựng NTM, trên cơ sở bám sát, vận dụng linh hoạt với tình hình thực tế.
Từ một xã khó khăn, xuất phát điểm thấp, sau 6 năm Hoàng Đan đã đạt 19/19 tiêu chí và không còn nợ đọng cơ bản. Đây là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, tôi hy vọng và mong muốn tinh thần này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các xã khác”.
Ông Vũ Chí Giang
Trong đó, xã đã phát 363 bản tin, căng 290 pano, 132 băng rôn qua đường… với nội dung tuyên truyền về NTM; tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 12.000 lượt người với 107 lớp khác nhau.
Đáng chú ý, trong 6 năm qua, xã đã huy động và đầu tư hơn 209 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách tỉnh hơn 23 tỷ, ngân sách huyện hơn 27 tỷ đồng, ngân sách xã gần 5 tỷ đồng, vay vốn tín dụng gần 9 tỷ đồng và huy động nguồn lực trong nhân dân đóng góp gần 145 tỷ đồng, chưa kể bà con còn hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, đến hết tháng 12.2016, xã Hoàng Đan đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Toàn bộ đường trục xã, liên xã, ngõ xóm và giao thông nội đồng tại đây đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% kênh loại 3 được cứng hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện; 98,3% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn quy định; thu nhập bình quân đạt gần 29 triệu đồng/người/năm (tăng 12,1% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%...
Bộ mặt xã Thiện Kế (Bình Xuyên) ngày càng khang trang, nhờ những ngỗinhà tầng, biệt thự ngày càng mọc lên nhiều. Ảnh: Việt Tùng |
Được biết, từ đầu tháng 5.2017, xã Hoàng Đan đã được xét duyệt để công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, lúc đó xã đang nợ xây dựng cơ bản hơn 6,4 tỷ đồng nên chưa được công nhận. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Dương động viên, khích lệ lãnh đạo xã Hoàng Đan tìm mọi cách, tập trung nguồn vốn để trả nợ.
Vì vậy xã đã đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất và trích 4,6 tỷ đồng thu được, cộng với nguồn tạm ứng từ ngân sách huyện 1,8 tỷ đồng để chi trả dứt điểm cho các công trình xây dựng NTM.
Sáng tạo để hoàn thành mục tiêu
Ngoài xã Hoàng Đan, theo kết quả thẩm định của Đoàn thẩm định số 02 mới đây, 2 xã Quất Lưu và Bá Hiến cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong đó xã Bá Hiến còn nợ đọng xây dựng cơ bản 796 triệu đồng, xã Quất Lưu còn nợ 992 triệu. Cả 2 xã trên đã xây dựng được phương án, cam kết trả nợ dứt điểm nợ trong năm 2017 nên Hội đồng xét duyệt của tỉnh đã bỏ phiếu công nhận 2 xã này đủ điều kiện về đích NTM. Đồng thời Hội đồng đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận xã NTM cho Hoàng Đan, Quất Lưu và Bá Hiến.
Trụ sở UBND xã Hoàng Đan (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã được đầu tư xây mới khang trang, to đẹp. Ảnh: V.T |
Tại hội nghị, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các đại biểu cũng đã nhất trí cao với dự thảo quyết định ban hành quy định đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, ngoài những quy định chung, dự thảo còn quy định chi tiết nội dung của Bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí, 49 nội dung được chia làm 5 nhóm: Quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; hệ thống chính trị.
Đồng thời hướng dẫn, đánh giá mức độ đạt chuẩn cụ thể của từng tiêu chí làm cơ sở để các cấp, ngành, các địa phương tổ chức đánh giá, thẩm tra, thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, dự thảo còn quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp trong việc triển khai, thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi đánh giá thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM…
“Để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM đã khó, giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn. Do đó, tôi đề nghị các xã chưa hoàn thành các tiêu chí cần tập trung nỗ lực, tìm ra những cách làm hay, sáng tạo để sớm về đích. Tuyệt đối không chạy theo thành tích, về đích nhưng phải bền vững, bởi mục đích cuối cùng của việc xây dựng NTM là nhằm cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nên chỉ khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, thì đó mới là NTM thực sự” – ông Giang nhấn mạnh.