Vĩnh Long: Sạt lở nghiêm trọng, chính quyền vẫn cấp phép khai thác cát
Hiện nay, nhiều hộ dân ở hai bên sông thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh và xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm để phản đối xáng cạp hút cát tại khu vực sông này. Hiện khu vực hai bên bờ sông đang sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng và tài sản của người dân.
Người dân ở Mỹ Hòa và Phú Thành bức xúc trước việc khai thác cát. |
Tiếp xúc với nhiều hộ dân ở Mỹ Hòa và Phú Thành, chúng tôi được biết: Tình trạng sạt lở những năm trở lại đây đang trở lên trầm trọng, có nhiều điểm sạt lở tới sát nhà. Theo bà con, con sông này là một nhánh nhỏ của sông Hậu, nơi rộng nhất cũng hơn 200m. Người dân hai bên sông đa phần trồng cây ăn trái với vài công đất trồng bưởi và chuối, thu nhập chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nhưng hàng năm, nhiều diện tích vườn cây ăn trái và đê bao vẫn theo “Hà Bá” ra đi.
Nhìn vườn bưởi da xanh hơn 10 năm tuổi đang có nguy cơ bị xóa sổ do tình trạng sạt lở đang diễn ra, bà Lê Thị Sáu ở khu vực ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Hòa cho biết: Hiện tại, sạt lở đang diễn ra ngày một trầm trọng, nếu như việc khai thác cát tiếp tục diễn ra, thì sinh kế của hơn 200 hộ dân và hàng trăm nhân khẩu sẽ không biết đi về đâu khi sạt lở gia tăng:
Người dân nơi đây hiện rất bức xúc trước sự việc chưa có sự đồng thuận của người dân mà UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn cấp phép khai thác cát ở mỏ Mỹ Hòa – Phú Thành, cho Hợp tác xã Tân Bình Minh, trong khi khu vực này đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng cũng như tài sản của người dân. Ông Trần Văn Nhơn, ở ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn cho biết: Tình trạng sạt lở ngày một trầm trọng, mấy năm trở lại đây đã sạt tới nhà dân, gia đình ông hàng năm phải đắp đê để bảo vệ vườn cây ăn trái, nhưng không tránh khỏi Sạt lở. Nếu như tiếp tục khai thác cát, thì chỉ vài tháng là khu vực Cù lao Mây này sẽ bị nhấn chìm, sinh kế của gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. |
Hàng năm, các hộ dân sinh sống ở khu vực này vẫn đang phải tự bỏ tiền ra để đắp đê bao bảo vệ nhà cửa, vườn cây ăn trái, người ít thì vài triệu còn nhiều thì vài chục triệu trở lên. Ông Bùi Văn Triều, ở ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn cho biết: Sạt lở đang xảy ra trầm trọng, trong khi chính quyền lại cấp phép khai thác cát. Ông cũng như các hộ dân sinh sống dọc 2 bên sông ngày đêm phải phản đối khai thác cát vì sinh kế đang bị đe dọa.
Liên quan đến sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng,cũng như sự phản đối quyết liệt của người dân trước sự cấp phép khai thác cát khi chưa có sự đồng thuận, trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Quyền Chánh Văn phòng UBND thị xã Bình Minh cho biết: Trước sự việc người dân phản đối việc khai thác cát tại mỏ Mỹ Hòa và Phú Thành thì vào ngày 29/5, UBND thị xã đã tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc trong khai thác cát, trong đó đã tạm dừng việc khai thác cát trên sông tại mỏ Mỹ Hòa – Phú Thành.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm: “Nói chung hiện nay trên địa bàn dự án về cơ sở hạ tầng phát triển phải có những dự án lớn để đầu tư phát triển, nhưng việc cát san lấp rất là thiếu trầm trọng. Muốn có sự đồng thuận của người dân để mình có được khối lượng cát san lấp để đầu tư các công trình, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương”.
Một điều đang bất hợp lý mà nhiều người dân xã Mỹ Hòa và Phú Thành vẫn đang chờ câu trả lời thỏa đáng của chính quyền tỉnh Vĩnh Long là tại sao khi chưa được sự đồng thuận của người dân mà chính quyền địa phương vẫn cấp phép khai thác cát. Trong khi khu vực này người dân vẫn đang phải gồng mình chống chọi với tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng, tự đắp đê bao để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.
Hiện tại, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã ghi nhận nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng, tài sản của người dân. Việc cấp và khai thác ồ ạt thời gian qua đã làm cho vấn đề sạt lở ở ĐBSCL trở nên nghiêm trọng, làm thay đổi quy luật tự nhiên. Sạt lở nhà cửa, đất đai đã và đang đe dọa tới sinh kế của hàng ngàn hộ dân đang không biết bấu víu vào đâu khi vấn nạn khai thác cát vẫn diễn ra ồ ạt như hiện nay./.