Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021
Nhằm hỗ trợ cho quá trình chuẩn bị của Việt Nam để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sáng 30/3 tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020-2021”.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao (giữa đeo kính) và Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng các đại biểu tham gia hội thảo. |
Hội thảo giúp đánh giá tình hình, chia sẻ kinh nghiệm và nêu các khuyến nghị chuẩn bị cho việc ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog, các đại biểu đến từ Australia, Indonesia, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đồng thời là chủ tọa hội thảo, thay mặt Bộ Ngoại giao cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ KAS cùng các chuyên gia của Liên Hợp Quốc trong việc tổ chức hội thảo, cảm ơn các đại biểu trong nước và quốc tế đã tới tham dự hội thảo.
Cũng trong phiên khai mạc, Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc nói chung và của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói riêng trong bối cảnh hiện nay, bày tỏ hy vọng Việt Nam với tiềm năng và kinh nghiệm đã có, có thể được lựa chọn và đảm đương tốt vai trò Ủy viên không thường trực.
Thứ trưởng Đặng Đình Quý khẳng định, với tư cách là cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về hòa bình, an ninh, Hội đồng Bảo an đã giúp duy trì hòa bình, ổn định tại nhiều khu vực trên thế giới, nỗ lực các hoạt động tái thiết sau xung đột, xây dựng cơ chế đảm bảo an ninh quốc tế thông qua chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặc dù vậy, tình hình an ninh quốc tế hiện còn nhiều thách thức, bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các quốc gia hay nội tại các quốc gia cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong bối cảnh đó, việc trúng cử và tham gia Hội đồng Bảo an là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của các ủy viên. Các ủy viên không thường trực sẽ tham gia vào một cơ chế an ninh quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, các nước này còn mang theo sự tín nhiệm của một số đông các thành viên Liên Hợp Quốc với ước vọng duy trì môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Việc xử lý nhanh các vấn đề nhạy cảm và phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều nước, trong đó có cả lợi ích của các nước lớn là thách thức không nhỏ với nhiều nước ủy viên không thường trực.
Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc tiếp tục ứng cử lần thứ hai vào cơ quan quan trọng này sau nhiệm kỳ thành công năm 2008-2009 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển của mình. Đây là sự thể hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Trên tinh thần đó, Hội thảo lần này thể hiện sự quyết tâm, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng của Việt Nam trong nỗ lực trong nỗ lực ứng cử vào cơ quan được Liên Hợp Quốc giao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội thảo sẽ giúp cơ quan của Việt Nam hiểu rõ hơn những thách thức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ tình hình quốc tế phức tạp, xu hướng chính trị và các cơ chế hoạt động đa tầng tại cơ quan này.
Việc nhận thức rõ những thuận lợi và thách thức sẽ giúp Việt Nam xây dựng chủ trương đúng đắn trong trong quá trình ứng cử, hỗ trợ các hoạt động nước rút cho cuộc bỏ phiếu tháng 6/2019 và chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021./.