Việt Nam muốn có giải Nobel phải thay đổi cách đào tạo sư phạm
Sinh viên sư phạm vẫn sử dụng những phương pháp học tập cũ, chép bài, đọc thuộc lòng bài giảng và bị hạn chế tư duy phản biện, sáng tạo… Hệ quả là khi ra trường, họ không phát huy hết năng lực bản thân và phương pháp giảng dạy mới cũng bị bó hẹp.
Học sinh hiện nay có nhiều tố chất thông minh, sáng tạo, linh hoạt nhưng giáo viên thì lại được đào tạo theo cách cũ, giáo án được soạn cách đây hàng chục năm nên không theo kịp với đổi mới giáo dục. Vì vậy, nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đề nghị cần thay đổi phương pháp đào tạo sinh viên trong trường sư phạm. Thầy cô giáo phải là người truyền thụ cách học, sự hứng thú, say mê với kiến thức cho học sinh, chứ không phải nhồi nhét kiến thức bằng việc học thuộc lòng...
Thầy cô giáo phải là người truyền thụ cách học, sự hứng thú, say mê với kiến thức cho học sinh (Ảnh minh họa) |
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Giáo dục, đào tạo giai đoạn hội nhập hoàn toàn khác với lối giáo dục truyền thống khép kín. Đã đến lúc cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách giáo dục sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên các trường sư phạm. Từ đó, học sinh có quyền được tương tác, lập luận và phản biện với thầy cô để tìm ra những bài học cho riêng mình.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói: “Muốn có giải Nobel thì không phải đơn giản cứ học thuộc lòng, rồi đối phó; cũng không cứ đi thi, đạt những giải quốc tế thì sẽ đạt giải Nobel. Những người như Giáo sư Ngô Bảo Châu - để có được những sáng tạo tột bậc như vậy, đều phải có sự hỗ trợ của nền giáo dục phương Tây. Điều này cho thấy khiếm khuyết trong nền giáo dục truyền thống của chúng ta rất nhiều”.
Thay đổi việc dạy và học trong trường sư phạm không phải là một bài toán độc lập, mà cần sự phụ thuộc liên đới của nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó cần có sự thay đổi về cơ sở vật chất, có đội ngũ giáo viên được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thường, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh: Hiện nay, nước ta có quá nhiều trường sư phạm, trong khi nguồn tài chính thì eo hẹp. Hệ quả là cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường sư phạm đều cũ và lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên theo chuẩn mới.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo giáo viên cần phải đổi mới so với chương trình cũ để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực. Trường phổ thông yêu cầu ở học sinh những năng lực gì thì chính giảng viên sư phạm phải đào tạo được cho sinh viên sư phạm những năng lực đó.
Việc dạy và học ở các trường sư phạm cần phải được cập nhật theo xu hướng phát triển của xã hội, bắt kịp với nền giáo dục của thế giới. Thạc sĩ Trịnh Thị Mỹ Hiền, Phụ trách phòng Thanh tra pháp chế và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện nay, đa phần giáo viên rất giỏi về kiến thức, nhưng mỗi người mỗi phong cách và phương pháp dạy khác nhau.
Điều đó cho thấy chưa có sự chuẩn hóa về phong cách giảng dạy. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tuyển chọn sinh viên ngành sư phạm. Nghề sư phạm là nghề đào tạo ra sản phẩm con người nên tiêu chí phải cao hơn. Nếu đầu vào không chuẩn, sinh viên không giỏi, rất khó để đào tạo thầy giỏi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Định hướng của ngành là tập trung vào công tác quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống, theo hướng lấy các cơ sở đào tạo sư phạm truyền thống, có thế mạnh và tiềm năng làm hạt nhân.
Đồng thời đổi mới chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo và phương pháp dạy học. Hiện nay các trường sư phạm cũng đã có sự thống nhất với nhau về nội dung đào tạo cũng như thời lượng dành cho sinh viên sư phạm thực hành nghề giáo.
“Trong chương trình đào tạo đã dành 1/4 nội dung chương trình cho việc tăng cường năng lực thực hành nghề sư phạm cho giáo sinh. Các trường sư phạm cũng thống nhất với nhau là 70% chương trình về cơ bản là chung, cùng một chuẩn để trường sư phạm không có sự chênh lệch trong chương trình đào tạo”.
Ngay từ bây giờ, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo sinh theo hướng thực học, thực nghiệp. Từ đó, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong các cấp học./.