Việt Nam - Đối tác tin cậy của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Tháng 9 tới, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN sẽ diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới, tạo ra diễn đàn để thảo luận những thách thức và cơ hội của khu vực. Đây còn được coi là một trong những đóng góp cụ thể nhất của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực chủ động của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới được khởi đầu từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.
Trong suốt gần 3 Thập kỷ hợp tác, Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực. Cách đây 2 năm, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến và tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong lần đầu tiên tại Hà Nội. Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á tại TP HCM - đây chính là tiền thân của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Khu vực ASEAN hiện nay.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: vietnamfriendship) |
Đây chỉ là hai trong nhiều đóng góp cụ thể của Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực chủ động của Diễn đàn Kinh tế thế giới khi là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, người từng có nhiều năm thúc đẩy các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, việc thúc đẩy sự hợp tác này chính là có lợi cho Việt Nam, tranh thủ được nguồn lực quốc tế cho sự phát triển của Việt Nam.
“Đây là một hướng đi của Việt Nam, của ngoại giao kinh tế Việt Nam, kéo các tổ chức quốc tế tham gia ủng hộ Việt Nam. Tất cả các kênh ngoại giao của Việt Nam đều phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Những sáng kiến tham gia các tổ chức toàn cầu như thế này rất có ý nghĩa cho sự phát triển và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Khi bạn bè quốc tế hiểu hơn, Việt Nam sẽ tranh thủ được nhiều nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển đất nước”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chỉ rõ.
Hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới được chuyển sang giai đoạn mới với việc hai bên ký kết Thỏa thuận đối tác công - tư giữa Việt Nam và Diễn đàn này năm 2017. Thỏa thuận hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Với thỏa thuận này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư và mong muốn đây là một "mẫu hình" để triển khai với các nước khác. Các nội dung của thỏa thuận này đang được hai bên tích cực triển khai trong 6 lĩnh vực như kinh tế và xã hội số hóa, thương mại đầu tư qua biên giới hay cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư được triển khai rất cụ thể ngay trong năm 2017 – 2018.
“WEF đã triển khai giúp Việt Nam trên cả 6 trụ cột hợp tác, tư vấn giúp Việt Nam có những đối sách thích hợp, tranh thủ được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những hội nghị WEF gần đây đều có lãnh đạo cấp Chính phủ của Việt Nam tham gia, tại các hội nghị thường niên Davos hoặc các hội nghị khác ở khu vực. Việt Nam đã có những chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm phát triển, cải cách kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những vấn đề này phù hợp với các chủ đề khác nhau trong WEF và được sự tán thành, đánh giá rất cao”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến sẽ có gần 60 phiên thảo luận, kéo dài từ ngày 11 - 13/9 tại Hà Nội. Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực chia sẻ ý tưởng, chính sách, biện pháp về phát triển khởi nghiệp, tranh thủ cơ hội cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề về Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực./.