Vì sao nhiều bệnh viện chưa liên thông kết quả xét nghiệm?
Từ ngày 1/8/2017, gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1 thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Thế nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, không ít bệnh viện được chỉ định thực hiện vẫn chưa liên thông kết quả của nhau.
Tùy từng bệnh mà các bệnh viện công nhận liên thông xét nghiệm của nhau. |
Bệnh nhân vẫn phải làm lại xét nghiệm
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Thảo (Thái Bình) dù đã cầm trên tay kết quả sinh thiết của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình với chẩn đoán chị bị u xơ vú, bệnh viện tuyến Trung ương vẫn yêu cầu chị phải làm lại các xét nghiệm. “Do trình độ y bác sĩ và trang thiết bị giữa các bệnh viện trên cả nước hiện chưa đồng đều, nên các bác sĩ tuyến Trung ương chưa tin tưởng vào kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới cũng đúng thôi. Tôi chỉ mong ngành y tế có thể đẩy nhanh quá trình nâng cấp các bệnh viện trên cả nước, để khi bác sĩ ở bệnh viện này cầm trên tay kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có thể yên tâm mà chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân, tránh để người bệnh chúng tôi đã mệt mỏi vì bệnh tật, lại thêm mệt mỏi khi phải vạ vật chờ đợi làm các xét nghiệm mới, trong khi xét nghiệm cũ chúng tôi làm chưa lâu” - chị Thảo bày tỏ.
Bác Lê Hoàn (Thanh Hóa) phản ánh, bác bị đau đầu, đi khám tại 2 bệnh viện ở Thanh Hóa, sau khi chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bác bị đau đầu do thiếu máu não. Điều trị một thời gian, bác Hoàn thấy bệnh đau đầu không đỡ, bác tự lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám lại. Bác có mang theo phim đã chụp ở hai bệnh viện tại Thanh Hóa, nhưng bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn yêu cầu bác chụp cắt lớp vi tính lại, sau đó bác được chẩn đoán là bị teo não.
Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đau đầu của bác nay đã thuyên giảm khá nhiều. “Khi liên thông kết quả xét nghiệm thì tiện lợi cho bệnh nhân nhiều mặt, nhưng đấy là khi các bệnh viện đồng hạng với nhau. Nếu các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai dùng kết quả chụp cắt lớp vi tính mà tôi đã chụp ở bệnh viện Thanh Hóa và điều trị cho tôi theo bệnh thiếu máu não thì bao giờ tôi mới hết đau đầu” - bác Hoàn băn khoăn.
TS. Nguyễn Xuân Hiền, Phó Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một số bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, chúng tôi vẫn dùng kết quả xét nghiệm của tuyến dưới để giảm chi phí và thời gian chờ đợi làm xét nghiệm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số trường hợp tùy theo tiến triển của bệnh cần chụp lại để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho rằng, các xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu, là “con mắt thần” giúp bác sĩ phát hiện tổn thương, bệnh lý trong cơ thể người bệnh. Chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm của ngành y tế tạo thuận lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay khiến các bệnh viện chưa thực hiện được việc liên thông kết quả xét nghiệm là do chất lượng xét nghiệm. Chất lượng xét nghiệm phụ thuộc vào hai yếu tố chính: máy móc và con người. Hiện có cơ sở y tế máy móc hiện đại, trình độ bác sĩ tốt, đảm bảo quy trình xét nghiệm cho kết quả chính xác nhưng có những nơi chưa làm được điều này.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ, khi chấp nhận kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác giúp cho việc khám chữa bệnh của bệnh viện diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải 100% xét nghiệm được chấp nhận và nhiều khi các bác sĩ cho xét nghiệm thêm vì việc chẩn đoán chuyên khoa da liễu cần xét nghiệm sâu hơn.
Thẩm quyền nằm trong tay thầy thuốc
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, trong số gần 1.400 bệnh viện công lập trên cả nước chỉ có 40 bệnh viện đạt tiêu chuẩn ISO quốc tế. Việc cần thiết có phải làm lại xét nghiệm hay không phụ thuộc vào trái tim và cái đầu của bác sĩ. “Khi cầm kết quả xét nghiệm của những bệnh viện đạt tiêu chuẩn ISO quốc tế, chúng tôi thấy yên tâm và khi tham chiếu với bệnh viện của mình thấy sự khác biệt là không đáng kể, do vậy kết quả đáng tin tưởng. Theo ông Phúc, hệ thống xét nghiệm tại các bệnh viện vẫn chưa được chú trọng để giúp cho việc chẩn đoán bệnh được tốt nhất.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, dù việc liên thông kết quả xét nghiệm tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh và bác sĩ, nhưng không phải tất cả các xét nghiệm đều thực hiện liên thông. Bộ Y tế đã ban hành một danh mục chỉ rõ những xét nghiệm nào được phép liên thông và việc liên thông cũng diễn ra trong một thời hạn nhất định của xét nghiệm. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế nhấn mạnh, thẩm quyền ra chỉ thị cần làm lại xét nghiệm hoàn toàn nằm trong tay thầy thuốc.
Theo ông Khoa, các bệnh viện tuyến huyện là nơi gần người dân nhất, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện tuyến huyện chưa bằng bệnh viện tuyến tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, công suất sử dụng… Vì thế, việc nâng cao chất lượng xét nghiệm ở bệnh viện tuyến huyện gặp nhiều khó khăn hơn, cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện là mục tiêu mà ngành y tế đang hướng tới./.