Vì sao giải ngân vốn đầu tư công không hoàn thành kế hoạch?
Tỷ lệ giải ngân năm 2017 mới đạt trên 80%
Chính phủ đã có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bằng Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3/8/2017. Tuy nhiên, đã bước sang năm 2018 nhưng qua rà soát, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 của đa phần địa phương vẫn chưa đảm bảo yêu cầu.
Hiện nay, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2017 của các địa phương đến 31/1/2018 đạt trên 80%. Nguyên nhân tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ được các địa phương giải thích là do công tác giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, vướng mắc về thủ tục, thậm chí do thời tiết…
Ảnh minh họa: KT |
Đơn cử như giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Kạn năm 2017 đạt hơn 68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân được trình bày là do một số dự án không đủ điều kiện thanh toán theo Luật Đầu tư công mới nên chưa giải ngân được. Cùng với đó, một số nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia và trái phiếu chính phủ (TPCP) do Trung ương giao kế hoạch muộn. Đồng thời, việc triển khai các thủ tục đầu tư của cấp huyện, cấp xã còn lúng túng…
Tỉnh Đắk Nông cũng có tỷ lệ giải ngân hết năm 2017 là hơn 1.150 tỷ đồng, chỉ đạt trên 74% kế hoạch. Thậm chí, tỉnh này còn có 2 nguồn vốn đến ngày 31/12/2017 giải ngân dưới 50% kế hoạch là chương trình mục tiêu quốc gia 40,9% và vốn trái phiếu chính phủ 9,85%. Nguyên nhân được tỉnh này chỉ ra là một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên chậm triển khai, thực hiện. Một số chủ đầu tư thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu chưa chặt chẽ, thiếu công tác kiểm tra, đánh giá sự phù hợp năng lực nhà thầu…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các địa phương không hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là do năm nào cũng phải chuyển nguồn vốn đầu tư công sang năm sau.
Qua số liệu thống kê của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho thấy, số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương được phép kéo dài từ năm 2016 sang năm 2017 khoảng 6.500 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 90%.
Tại Điều 76, Luật Đầu tư công cho phép thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc quy định cho phép thời gian giải ngân 2 năm phần nào tạo tâm lý ỷ lại cho các chủ đầu tư, nhà thầu.
Đồng thời, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ có quy định quy trình xét chuyển kế hoạch vốn kéo dài của năm trước, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì tổng hợp nhu cầu của địa phương và thông báo kế hoạch vốn kéo dài trước ngày 30/4 hàng năm. Như vậy, mất thêm 4 tháng, vốn đầu tư công không được giải ngân mà phải chờ thông báo xét chuyển kéo dài (từ ngày 31/1 đến 30/4). Mặt khác, việc cho phép kế hoạch vốn được kéo dài sang năm sau năm kế hoạch, cơ quan tài chính không chủ động kế hoạch nguồn vốn, gây khó khăn trong cân đối và đảm bảo chủ động đủ vốn thanh toán theo kế hoạch.
Gỡ rào cản để “về đích”
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quy định chặt chẽ về việc kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân thì giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm. Nói cách khác, việc giải ngân vốn đầu tư công phải thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước là đến 31/1 năm sau năm kế hoạch; chuyển nguồn phải có điều kiện cụ thể, phải có ràng buộc cụ thể với chủ đầu tư, phải có lý do chính đáng.
Nếu chỉ quy định chung chung là thời gian giải ngân vốn đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau thì tình trạng chuyển nguồn không bao giờ chấm dứt và việc giải ngân vốn đầu tư công hàng năm vẫn nằm trong tình trạng không hoàn thành kế hoạch. Đó là còn chưa kể đến ảnh hưởng khả năng cân đối tài chính ngân sách nhà nước thực tế, phá vỡ các cân đối vĩ mô.
Để khắc phục, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị sửa điểm b khoản 1 Điều 76 Luật Đầu tư công theo hướng: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài đến hết ngày 31/1 của năm sau năm kế hoạch. Trường hợp đặc biệt phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất bãi bỏ quy định kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư sang năm sau. Chính phủ sẽ quyết định và có những điều kiện cụ thể đối với các dự án được gia hạn thực hiện và giải ngân. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Điều 46 Nghị định số 77 theo hướng tăng sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm các thủ tục báo cáo, rà soát,...
Nếu được ban hành, có thể kỳ vọng rào cản của việc giải ngân kế hoạch đầu tư công sẽ được gạt bỏ và câu chuyện không hoàn thành của các địa phương sẽ không còn nữa./.