Vì sao đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập?
Quá trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, một số đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương đã được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối. Nhân lực của hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn về số lượng, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề và sự nghiệp y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, biên chế trong khối đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2011 - 2016 vẫn tăng 165.000 người. Bên cạnh đó, 60,5% đơn vị sự nghiệp công lập vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.
Ảnh minh họa. |
Đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội và đổi mới cơ cấu đầu tư, phương thức đầu tư.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, ban, ngành từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị. Số thu của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên.
Theo ông Vũ Đức Bảo, thực tế cho thấy trong quá trình tổ chức thực hiện các đơn vị này phát huy rất nhiều hiệu quả. Tự chủ tài chính, tự chủ kinh phí, tự chủ biên chế và nhà nước không phải bao cấp nữa. Với kinh nghiệm này, năm 2017, Hà Nội mở rộng các đơn vị, các lĩnh vực. Tinh thần sẽ tập trung kiên quyết chỉ bao cấp những đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, còn lại những đơn vị có thể xã hội hóa được, có thể tạo tự chủ thì thành phố kiên quyết tập trung chỉ đạo làm sao đây chính là mấu chốt của tinh giản biên chế và số lượng công chức, viên chức tinh giản ở lĩnh vực này sẽ nhiều, nhanh và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn do các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động, tích cực trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức chức tinh giản biên chế; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần chưa thực hiện được. Đến nay, Hà Nội chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhìn rộng ra cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đến nay cả nước còn 60,5% đơn vị sự nghiệp công lập còn do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Đây là con số quá lớn, cần rà soát và có giải pháp.
“Đến nay còn 18.278 đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, chiếm 60,5% đơn vị sự nghiệp công lập. Đầu vào biên chế sự nghiệp công lập cao hơn so với đầu vào của công chức. Lương và chi phí 60,5% vẫn do ngân sách, đây là lĩnh vực cải cách chậm. Chính phủ cần rà soát lại xem trong số 18.278 đơn vị này có những đơn vị nào cần tách ra tự chủ, còn như thế này không đạt chỉ tiêu thực hiện cơ chế tự chủ với đơn vị công lập” – bà Lê Thị Nga nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. |
Mục tiêu của đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là nâng cao chất lương dịch vụ công nhưng phải tinh giản được bộ máy, cơ cấu lại thu chi ngân sách, làm tiền đề xây dựng đề án cải cách tiền lương, dự kiến trình vào năm 2018.
Tuy nhiên, biên chế trong khối đơn vị sự nghiệp công lập không giảm mà còn tăng tăng 165.000 người từ năm 2011 - 2016. Đồng thời chưa có quy định cụ thể về tiêu chí và cách thức kết hợp việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước với việc phải thực hiện khối lượng và chất lượng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công được giao, vì vậy khó xác định hiệu quả của việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: “Thực chất đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ tài chính, nhưng tỷ lệ này rất thấp. Nói là đơn vị sự nghiệp nhưng không khác gì cơ quan Nhà nước bởi Nhà nước vẫn gánh 1 phần hoặc toàn bộ chi phí ở một số đơn vị. Trong xu thế xã hội hóa, Nhà nước chỉ làm những việc xã hội không làm hoặc xã hội không thể làm và chuyển giao nhiệm vụ nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho các tổ chức xã hội. Vấn đề này cần nghiên cứu làm rõ thêm”.
Một trong những khó khăn mà các đơn vị sự nghiệp công lập gặp phải là vấn đề tự chủ tài chính. Đây là bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự. Bởi vậy, cần xem xét các quy định dịch vụ thay cho quy định về mức phí tại một số đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đội ngũ công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trong chi trả tiền lương, thu nhập nhằm thu hút được đội ngũ lao động có trình độ cao. Về lâu dài, cần đẩy mạnh xã hội hóa, giảm số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động xã hội./.