Vì sao cầu thủ HA Gia Lai dễ bị chấn thương khi lên tuyển?
Ngoài 11 tuyển thủ góp mặt ở đội tuyển U22, HA Gia Lai còn có 4 tuyển thủ ở đội U20 Việt Nam, chuẩn bị cho VCK World Cup U20. Ở các đội tuyển trẻ lúc này, cầu thủ HA Gia Lai góp mặt đông nhất.
Tuy nhiên, việc có nhiều cầu thủ tập trung ở các đội tuyển quốc gia cũng đặt ra nguy cơ chấn thương cao cho cầu thủ của Gỗ, trong khi chính các cầu thủ HA Gia Lai thường là những người thường hay bị chấn thương sau mỗi đợt tập trung đội tuyển.
Tuấn Anh là một ví dụ điển hình. Tiền vệ hàng đầu của đội bóng phố núi hầu như phải nghỉ dưỡng sức trong khoảng nửa năm qua, bỏ lỡ cơ hội tham dự AFF Cup 2016 cùng đội tuyển Việt Nam.
Những chấn thương triền miên khiến Tuấn Anh không có duyên với các giải đấu lớn (ảnh: Trọng Vũ) |
Trước đó, Tuấn Anh phải chia tay sớm với đội tuyển Việt Nam vì chấn thương mỗi lúc một nặng thêm khi đang tập cùng đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Không chỉ có Tuấn Anh, Xuân Trường dù không còn khoác áo HA Gia Lai, nhưng xuất thân từ đội bóng phố núi, dính chấn thương ở trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup 2019, giữa đội tuyển Việt Nam với Afghanistan, nên cũng phải tập riêng ở CLB Gwangon (Hàn Quốc) thời gian qua.
Riêng ở đợt tập trung lần này, đội bóng chủ quản ở Hàn Quốc không dám cho Xuân Trường đội tuyển, vì sợ lại phải mất người do chấn thương.
Không chỉ có Tuấn Anh và Xuân Trường, Công Phượng cũng từng bị đau vai phải nghỉ khá dài ngày sau khi trở về từ đội tuyển hồi năm ngoái, khiến CLB chủ quản của anh lúc đó là Mito (Nhật Bản) thiệt quân trong 4 tháng trời.
Không phải ngẫu nhiên mà cầu thủ HA Gia Lai hoặc cầu thủ xuất thân từ đội bóng phố núi, đặc biệt là nhóm những người thuộc khoá đầu học viện HA Gia Lai JMG, thường là những cầu thủ có nguy cơ chấn thương cao nhất khi tập trung đội tuyển.
Khâu thể lực và sức mạnh vốn là khâu được đánh giá không cao đối với khoá đầu của học viện này, dẫn đến chuyện các cầu thủ của HA Gia Lai chưa đạt được sự cứng cáp cần thiết lúc chuyển từ bóng đá trẻ lên bóng đá chuyên nghiệp.
Thành ra, mỗi lúc tập nặng, họ lại trở thành những người dễ dính chấn thương nhất. Mà các bài tập ở đội tuyển thường nặng hơn so với cách các cầu thủ vẫn tập ở CLB. Nên khi lên tuyển, cầu thủ của HA Gia Lai cũng dễ bị chấn thương, dễ bị quá tải hơn các cầu thủ thuộc các CLB khác.
Bài toán tương tự lại một lần nữa được đặt ra với những người làm chuyên môn, và lại tiếp tục rơi vào trường hợp của Tuấn Anh. Cầu thủ tài hoa này đã 2 lần chia tay các giải đấu lớn vào giờ chót vì không kịp bình phục chấn thương trước SEA Games năm 2015 và AFF Cup 2016.
Giờ, Tuấn Anh lại chuẩn bị khoác áo U22 Việt Nam đá với U20 Argentina với cái đầu gối khiến nhiều người bất an. Nhưng ngặt nỗi giờ không cho Tuấn Anh làm quen trở lại với không khí của đội tuyển thì còn chờ đến bao giờ?
Kim Điền