Vi phạm đã lớn thì khi kiểm tra sẽ vừa mất cán bộ, vừa mất tài sản NN
Tại sao nhiều cán bộ, tổ chức dễ bị chi phối?
PV: Trong thực tế, có những trường hợp mặc dù vi phạm nhưng vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm lên những chức vụ cao hơn, như trường hợp Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ. Theo ông, chúng ta rút ra được những bài học gì?
Ông Hà Quốc Trị. |
Ông Hà Quốc Trị: Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy ở đây thiếu sự kiểm tra vào cuộc kịp thời. Khi tiến hành kiểm tra, lúc đó sự việc đã nghiêm trọng, buộc phải thi hành kỷ luật.
Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm rõ và xử lý, nhưng cuối cùng lại không xử lý, không chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, thậm chí còn có sự dung túng, bao che của PVN.
Khi đã cho thôi chức, khi nhận xét, đánh giá cán bộ, PVN lại bỏ những thông tin bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh, chỉ nói vài câu rất chung chung.
Chính vì vậy mới có chuyện tiếp nhận về Bộ Công Thương một cách dễ dàng và được đề bạt, bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng. Nếu có nhận xét công bằng, khách quan thì làm sao có thể đưa Trịnh Xuân Thanh về Bộ Công Thương được. Đây chính là bài học sâu sắc trong quản lý, sử dụng cán bộ.
Bộ Công Thương, nơi được nói là đã “bỏ qua” nhiều sai phạm của Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Vì vi phạm nhỏ chưa được phanh phui, kiểm tra, trong khi vi phạm đó không mất đi, mà tiếp tục âm ỉ, dẫn đến từ vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, từ vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người.
Tại sao một cán bộ công tác tại một đơn vị thuộc PVN, lại có thể “chi phối” được nhiều cán bộ trong hệ thống tổ chức như vậy? Đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ. Một cán bộ như vậy, mà qua bao nhiêu quy trình, bao nhiêu cơ quan đều có thể lọt qua hết? Phải chăng có sự dung túng, bao che? Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ thực trạng này.
Để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vừa qua, vẫn phải nói đến tính chủ động trong kiểm tra. Khi mới manh nha đã phải tiến hành kiểm tra, chứ khi vi phạm đã lớn thì khi kiểm tra lúc đó sẽ vừa mất cán bộ, vừa mất tài sản của nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là do thiếu sự kiểm tra”. Kiểm tra thường xuyên khuyết điểm sẽ bớt đi, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
PV: Trong bối cảnh tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm diễn ra phức tạp, chỉ mình UBKT T.Ư quyết liệt thôi thì không đủ. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của UBKT cấp dưới?
Ông Hà Quốc Trị: Phải nói rằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số UBKT và cán bộ kiểm tra còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu bản lĩnh, chưa thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.
Tôi nhớ trong bài phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành kiểm tra năm 2016, Tổng Bí thư có nêu ra vấn đề, Trung ương làm rồi thì giờ tỉnh có làm không? Nếu Trung ương mà làm, tỉnh cũng chọn một vài việc làm, thì dứt khoát Trung ương 4 sẽ chuyển động. Nhưng trên thực tế vừa qua, đúng là có tình trạng Trung ương làm, nhưng nhiều tỉnh chưa làm.
Vừa qua, chúng tôi có kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với ban thường vụ và UBKT một số địa phương, đơn vị. Qua đó đã chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; qua đó đã uốn nắn và nhắc nhở, đề nghị phải chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT T.Ư, tham gia Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ đạo, mỗi đơn vị chọn một hai điểm nổi cộm để kiểm tra, kết luận rõ ràng, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
UBKT các cấp sớm tham mưu giúp cấp ủy xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý, tạo bước chuyển biến mới trong công tác này.
Vi phạm do thiếu kiểm tra, giám sát
PV: Trong trường hợp xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh và một số cán bộ lãnh đạo vừa qua, bản thân ông và đoàn kiểm tra cũng như UBKT có băn khoăn?
Ông Hà Quốc Trị: Không chỉ đồng chí Nguyễn Xuân Anh, mà tất cả các trường hợp khác khi xem xét biểu quyết kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật, chúng tôi cũng đều rất trăn trở, day dứt; nhất là những trường hợp tuổi đã cao, vi phạm xảy ra đã lâu, nay mới kiểm tra, phát hiện và xử lý.
Có những trường hợp khi phát biểu trước UBKT T.Ư đã nói nếu tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra sớm sẽ không để lại những hậu quả đáng tiếc.
“Tại sao một cán bộ như Trịnh Xuân Thanh, công tác tại một đơn vị thuộc PVN, lại có thể “chi phối” được nhiều cán bộ trong hệ thống tổ chức như vậy ? Đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ”. Ông Hà Quốc Trị
Đây là một bài học đau xót cho chúng tôi trong suốt quá trình công tác. Họ đã đứng lên báo cáo, kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, điều đó làm chúng tôi phải suy nghĩ, trăn trở. Vì để họ dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng bên cạnh trách nhiệm của cá nhân còn có trách nhiệm của tổ chức là thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Mỗi trường hợp như thế chúng tôi rất trăn trở, nhưng khi đã sai phạm, với trách nhiệm của mình, chúng tôi đều phải làm khách quan. Khi đã đặt lên bàn cân rồi, đặt trước tập thể thì phải công minh, ai cũng phải giống ai, không khác được. Chúng tôi đã vậy, còn những người đặt bút ký quyết định kỷ luật cũng trăn trở lắm, nhưng vì trách nhiệm chung vẫn phải làm.
PV: Những cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát thường có chức vụ. Ông và đồng nghiệp có gặp khó khăn thách thức gì?
Ông Hà Quốc Trị: Không phải ít mà rất nhiều khó khăn thách thức, vì đối tượng kiểm tra, giám sát mà UBKT T.Ư tiến hành là những đối tượng có chức, có quyền, có nhiều kinh nghiệm, lại trưởng thành từ thực tiễn.
Thứ nữa, quá trình kiểm tra là đối diện với mặt trái trong Đảng, nên rất nhiều khó khăn, thậm chí cả những lời đe dọa, góp ý khó nghe. Đối tượng trong diện kiểm tra thường có quan hệ với những người có chức quyền khác, nhờ can thiệp, tác động bằng nhiều cách: “Ông làm gì mà căng thẳng thế, đồng chí với nhau mà sao căng thẳng thế? Họ xin gặp riêng mấy phút mà cũng không cho gặp…”.
Có rất nhiều cuộc điện thoại như vậy tới các thành viên đoàn kiểm tra. Rồi họ dùng sức ép từ người khác, phải thế này, phải thế kia. Không chỉ vậy, họ còn mua chuộc, cám dỗ, không trực tiếp thì nhờ người nọ, người kia bằng nhiều hình thức…
Những lúc đó đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ điều tra, phải dứt khoát, không thay đổi, phải giữ vững nguyên tắc và làm việc khách quan. Bởi khi đã nhận của người ta thì phải theo sự sai khiến của họ. Há miệng mắc quai thì nói được gì nữa.
Quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn kiểm tra đã nêu rõ, không được làm việc một người, làm việc với ai phải báo cáo trưởng đoàn, không mặc cả, đặt điều kiện, không gây khó khăn, phiền hà, không tham gia giao lưu dưới mọi hình thức…
Người trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm hết mọi hoạt động trong đoàn, do vậy yêu cầu việc quản lý đoàn phải chặt chẽ, rồi có sự giám sát lẫn nhau, đặc biệt không có hoạt động cá nhân. Những lúc như vậy, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải thể hiện bản lĩnh, cứng rắn, tự tin, không lùi bước. Có bản lĩnh vững vàng thì mới vượt qua được mọi sức ép tâm lý trong quá trình kiểm tra.
PV: Cảm ơn ông!
“Có những trường hợp khi phát biểu trước UBKT T.Ư đã nói nếu tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra sớm sẽ không để lại những hậu quả đáng tiếc. Đây là một bài học đau xót cho chúng tôi trong suốt quá trình công tác. Họ đã đứng lên báo cáo, kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, điều đó làm chúng tôi phải suy nghĩ, trăn trở”. - ông Hà Quốc Trị.