Văn học góp phần nuôi dưỡng, xây dựng nhân cách con người Việt Nam
Sáng 4/4 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2017).
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam. 60 năm qua, các nhà văn Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc… Ở thời kỳ nào, nhà văn cũng là những người luôn hết mình với sự nghiệp Cách mạng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Văn hóa tư tưởng. Đặc biệt, qua 30 năm đổi mới, văn học Việt Nam đã có bước phát triển đột phá về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác.
Dự và chung vui với các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu. VOV.VN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này. (Tiêu đề bài viết do VOV.VN đặt)
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. |
"Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng các đồng chí, các anh chị hội viên Hội nhà văn Việt Nam và quý vị đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi trân trọng gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam; các đồng chí, các anh chị hội viên Hội nhà văn Việt Nam và quý vị đại biểu lời chúc mừng nồng nhiệt! Chúc các đồng chí, các anh chị hội viên Hội nhà văn Việt Nam và quý vị sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng nuôi dưỡng, xây dựng nhân cách tâm hồn con người Việt Nam, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc vượt qua những khó khăn thử thách. Dù trong hoàn cảnh nào, người nghệ sỹ chân chính luôn lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm mục đích sống, mục đích hoạt động văn học nghệ thuật của mình.
Sau khi Đảng ta ra đời, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã đi theo con đường cách mạng của Đảng, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc; ủng hộ Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng; hăng hái tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc; và những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vào tháng 4 năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam ra đời. Hội trở thành tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các nhà văn Việt Nam, tập hợp, đoàn kết hội viên; góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng, từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm, pháp luật, chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ; động viên, khích lệ hội viên sáng tạo, phản ảnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc họa hình tượng con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trong suốt 60 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hội và các hội viên ưu tú như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu đã “cùng xương thịt với nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với Tổ quốc, với đồng bào; bồi dưỡng, cổ vũ các tài năng văn chương; cống hiến cho đất nước, cho nhân dân nhiều tác phẩm có giá trị; phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước, dân chủ, khoa học, nhân văn; góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Hội Nhà văn Việt Nam, các hội viên và đông đảo những người viết văn cả nước luôn tự hào với các tên tuổi lớn: Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Hải Triều, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hà Xuân Trường, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Chính Hữu, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Anh Thơ, Hồ Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và nhiều nhà văn, nhà thơ khác mà tôi không thể kể hết…Nhiều nhà văn, nhà thơ thực sự là nghệ sỹ - chiến sỹ, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, anh dũng hy sinh trên các chiến trường như Trần Đăng, Nam Cao, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Lê Vĩnh Hòa…
Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ cách mạng được dẫn dắt bởi tình yêu nước, thương dân, đồng cảm sâu sắc với thân phận con người đã đi cùng, sống cùng năm tháng, sống mãi với nhân dân, với dân tộc; gợi lên trong lòng mỗi người niềm kiêu hãnh, tự hào về đất nước, về nhân dân; về các cuộc kháng chiến thần thánh chống kẻ thù xâm lược; về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về những hy sinh và mất mát, những hạnh phúc và khổ đau, những suy tư và ước vọng trong sáng, cao đẹp của mỗi người con đất Việt; về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để ghi nhận, tôn vinh công lao đóng góp của Hội Nhà văn Việt Nam, các thế hệ hội viên và các nhà văn tiêu biểu, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng Hội Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều nhà văn ưu tú được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. |
Trong chặng đường mới của đất nước, chúng ta vừa tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của nhân dân ta, của Hội Nhà văn Việt Nam, vừa phải đương đầu và vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Hiện thực đời sống mà các văn nghệ sỹ hằng ngày tiếp xúc, tìm tòi, khám phá chứa đựng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua mang lại với rất nhiều điều hay, mặt tốt; nhưng cùng với đó, cũng xuất hiện không ít những yếu kém, tiêu cực, cái xấu, cái ác do mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đưa đến, sự thiếu tu dưỡng đã dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Ngay trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bên cạnh ưu điểm, kết quả to lớn, cũng xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại trong xây dựng, tập hợp đội ngũ và sáng tạo tác phẩm. Nhà văn, nhà thơ là con người, là công dân như bao người khác. Nhưng nhà văn, nhà thơ có những đặc điểm, phẩm chất nổi trội so với nhiều người, đó là óc sáng tạo, là sự nhạy cảm, tinh tế, rung động sâu xa, biểu hiện mạnh mẽ trước mọi vấn đề, hiện tượng của đời sống xã hội. Trước một sự việc cụ thể, có nhà văn bình tĩnh nắm bắt, khám phá, sáng tạo, phản ảnh, phản biện có tính xây dựng; cũng có nhà văn lo lắng, băn khoăn, bức xúc, thậm chí có thể có suy nghĩ và hành động bộc trực, thái quá, có lúc cực đoan. Với những tình huống như thế, tổ chức Hội, các hội viên đồng nghiệp, các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng, Nhà nước ở các cấp rất cần ở bên họ để sẻ chia, trao đổi, cùng tháo gỡ khó khăn, cùng đi đến cách thức giải quyết phù hợp nhất.
Văn học nghệ thuật tuy có những đặc trưng, đặc thù nhưng sự tiếp cận, nhận thức, phản ánh hiện thực của nhà văn phải góp phần cải biến xã hội theo hướng nhân văn, khoa học, phát triển. Văn nghệ hướng tới tới chân, thiện, mỹ, nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó hoàn thành được sứ mệnh của mình. Sản phẩm văn học chân chính phải phản ánh hiện thực chân thật, sinh động và sâu sắc sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc say mê. Văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, phải mang trách nhiệm xã hội, phải vì xã hội, vì con người. Ngay từ năm 1943, đề cương văn hóa Việt Nam đã khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng đối với văn hóa (trong đó có văn nghệ); đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” chỉ rõ: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Văn học, nghệ thuật tiến bộ, cách mạng, mang tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Ðảng khẳng định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân". Trong quyền con người, có quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.
Cùng với sự tôn trọng, khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và nhân văn, Ðảng và Nhà nước cũng mong muốn văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; dấn thân, lao động nghiêm túc, sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí và khát vọng đổi mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cho thấy, chỉ khi nào nghệ sĩ dám sống đến cùng vì đất nước, vì nhân dân, phát huy tối đa tài năng nghệ thuật và trách nhiệm công dân thì khi đó mới có được những tác phẩm nghệ thuật ưu tú, phản ánh được khát vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại. Văn học, nghệ thuật nước ta thời kỳ đổi mới đã mở rộng hơn về biên độ sáng tạo, về tư duy nghệ thuật, về quan niệm nhân sinh, vừa cố gắng phản ảnh được những mặt tích cực của thực tiễn đổi mới, vừa kịp thời đấu tranh phê phán sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự suy thoái tư tưởng và biến chất của con người do thiếu tu dưỡng trong điều kiện kinh tế thị trường.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. |
Hiện nay, vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề đặc biệt quan trọng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo về nạn tham nhũng, tệ cửa quyền, sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đó là những nguy cơ cần phải nhanh chóng đẩy lùi. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về vấn đề này thêm một lần nữa khẳng định tư duy chính trị, văn hóa và tầm nhìn đúng đắn của Đảng.
Tôi được biết, những năm qua, Hội nhà văn Việt Nam có nhiều đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động; tổ chức các chuyến đi về nguồn, về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; tổ chức các trại sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm; đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn; tổ chức Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương; Giải thưởng văn học Sông Mê Kông; Hội nghị những nhà văn trẻ toàn quốc; các hoạt động quảng bá Văn học Việt Nam ở nước ngoài và giới thiệu tinh hoa văn nghệ thế giới ở Việt Nam. Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX có nhiều đổi mới, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Hội, phát triển nền văn học nước nhà những năm tới.
Kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đồng tình với các nhiệm vụ trong giai đoạn mới của Hội, đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên Hội Nhà văn quan tâm thực hiện một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về văn học, nghệ thuật; đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục đi sâu nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm văn học ca ngợi, tôn vinh các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và nhân dân anh hùng trên tinh thần nhận thức lịch sử một cách biện chứng, sâu sắc. Độ lùi thời gian cũng như sự thay đổi về khoảng cách thẩm mĩ, thái độ chiêm nghiệm và ý thức văn hóa, sự đổi mới về bút pháp và cách tân nghệ thuật giúp cho các nhà văn của ta có thêm nhiều phát hiện và xúc cảm thẩm mỹ mới.
Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức truy tặng Giải thưởng Cống hiến văn học (đợt I). |
Thứ ba, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong giai đoạn mới, có tài năng và dám dấn thân, luôn bám sát hơi thở đời sống đương đại, đi sâu phản ánh, phân tích, lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cả xã hội, trong đó có người nghệ sỹ. Phấn đấu có thật nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật khắc họa một cách sinh động con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, đang lao động không mệt mỏi cho mục tiêu cao đẹp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội đương đại. Kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo - truyền thống quý báu của dân tộc, của văn hóa Việt Nam.
Thứ tư, bĩnh tĩnh, cảnh giác trước các biểu hiện, các khuynh hướng văn học thiếu lành mạnh, thậm chí độc hại, phản động. Tình trạng “thương mại hóa” văn học, nghệ thuật, chạy theo thị hiếu dễ dãi, tầm thường có nguy cơ lan rộng. Có cả những trường hợp sáng tạo tác phẩm nhằm mục đích “giải thiêng” lịch sử, “hạ bệ thần tượng”, kêu gọi “nổi loạn”, “ly khai”… Để không xẩy ra tình trạng chệch hướng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong văn học, nghệ thuật, rất cần vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng sáng tác, nghiên cứu của tổ chức Hội, của Đảng đoàn Hội Nhà văn với các hội viên và lực lượng cầm bút trong cả nước. Người nghệ sỹ phải không ngừng bám sát thực tiễn, sống cùng đất nước mình, nhân dân mình, gắn bó máu thịt với sự nghiệp đổi mới, đi sâu vào thực tiễn, dám đổi mới một cách mạnh mẽ nhưng đúng đắn, tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng.
Với tinh thần đã nêu ở trên, tôi mong và tin rằng, từ Lễ kỷ niệm trọng thể và đáng nhớ này, Hội Nhà văn Việt Nam, các hội viên của Hội, đông đảo những người cầm bút trong cả nước phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội từ trung ương đến địa phương vững mạnh toàn diện; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; gắn bó máu thịt với hội viên, với sự nghiệp văn học nước nhà, với đất nước, nhân dân, với sự nghiệp đổi mới, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"./.