Văn hóa: Yếu tố quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 4.914 doanh nghiệp trong nước, 86 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thời gian qua, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển. Một trong những yếu tố tạo nên thành công trên, theo đánh giá của cộng đồng các doanh nghiệp, đó chính là việc thực hiện tốt văn hóa trong từng đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết: "Đối với Thái Hưng, văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều khía cạnh với những triết lý kinh doanh cụ thể trên từng lĩnh vực. Đó là triết lý trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; triết lý về sự tăng trưởng và mở rộng phát triển doanh nghiệp đi đôi với tạo điều kiện làm việc cho người lao động; triết lý kinh doanh về việc tăng trưởng của doanh nghiệp. Chúng tôi lấy chỉ tiêu về tăng trưởng phải nộp ngân sách Nhà nước và tăng trưởng thu nhập của người lao động làm tăng trưởng của doanh nghiệp. Hay triết lý kinh doanh với các đối tác bạn hàng, chúng tôi quan niệm với đối tác không phải là khách hàng mà chỉ có khái niệm là bạn hàng. Và hơn hết, đó là triết lý kinh doanh phải thượng tôn pháp luật. Có thế, văn hóa luôn là giá trị cốt lõi của đơn vị Thái Hưng".
Với Thái Hưng, đối tác luôn được coi là "Bạn hàng" - Đó là một trong những nét văn hóa trong triết lý kinh doanh của đơn vị. Ảnh: Bùi Thế |
Còn với Công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên, Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: "Thành công trong sản xuất, kinh doanh, điều quan trọng nhất là nhân tố con người, trong đó không thể không nói đến yếu tố Văn hóa trong doanh nghiệp. Đối với Công ty, việc thực hiện văn hóa không xa dời thực tế, đó chính là việc quan tâm đến đào tạo con người, đặc biệt là việc luân chuyển cán bộ để phát huy hết năng lực, sở trường của từng người. Những cán bộ trẻ, có trình độ đều được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cất nhắc và có chế độ đãi ngộ tương xứng. Vì vậy, cán bộ, người lao động đều có điều kiện phấn đấu, thể hiện tài năng và có niềm tin để gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Công ty".
Nhờ tạo được sự gắn kết đối với người lao động, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trên thị trường kinh doanh |
Văn hóa doanh nghiệp được nhìn nhận là phong cách, là nền nếp tổ chức, là môi trường bên trong của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trước tiên phải được hình thành từ ý thức tổ chức, tinh thần thái độ làm việc của người đứng đầu. Dựa trên cơ sở đó, hình thành một nền nếp văn hóa lành mạnh, tiến bộ cho cả một tập thể. Để phát huy giá trị văn hóa cũng như nội lực của từng doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện và có định hướng cụ thể để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, quyết liệt trong việc chỉ đạo các sở, ngành cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc nhìn nhận và xây dựng văn hóa doanh nghiệp đối với mỗi đơn vị, địa phương có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại, đó vẫn là nguồn lực để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải xuất phát từ những việc làm cụ thể và phải được cụ thể hóa thành từng hành động cụ thể cho từng thành viên của doanh nghiệp.
Tại lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tối 7-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh”. Qua đây, bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ý thức được điều đó, từng doanh nghiệp, doanh nhân đất Thép sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền văn hóa chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh văn hóa lành mạnh./.