V-League vào mùa World Cup: Vừa đá vừa lo…
Ngày 14/6 tới, World Cup 2018 sẽ chính thức khai màn trên đất Nga. Đây là giải đấu lớn nhất thế giới theo chu kỳ 4 năm một lần, quy tụ các đội tuyển Quốc gia mạnh nhất hiện tại tham dự, nên giới cầu thủ Việt Nam đang rất háo hức chờ đợi.
Tuy nhiên, trong khi World Cup diễn ra tại Nga, thì ở Việt Nam giải V-League cũng bước vào giai đoạn căng thẳng. Trong vòng 1 tháng, các đội sẽ phải trải qua 6 vòng đấu liên tục, mật độ trung bình 4 ngày/trận. Chính vì vậy, sức hút từ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ là thách thức không nhỏ đến tính chuyên nghiệp của các cầu thủ và các CLB.
Các đội bóng ở V-League lo phong độ cầu thủ ở dịp diễn ra World Cup 2018 |
Vấn đề đầu tiên được các CLB quan tâm dịp nghỉ World Cup, chính là đảm bảo thể lực cho các cầu thủ. Việc các cầu thủ mất tập trung trong tập luyện khi có sự quan tâm nhất định tới World Cup là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hầu hết các đội bóng đều quy định giờ giấc tập luyện rất nghiêm ngặt, các đội cũng chỉ cho phép các cầu thủ được xem World Cup những trận đấu sớm, vào lúc 20h, sau đó phải đi ngủ sớm, có chăng chỉ xem lại các trận World Cup vào sáng hôm sau.
Phải ra sân trong khi cả thế giới xem World Cup, trên khán đài lại trống vắng người hâm mộ, thật khó để các cầu thủ cống hiến thứ bóng đá tốt nhất của mình. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề đáng lo nhất dịp World Cup.
World Cup, Euro luôn là dịp rất “nhạy cảm”, các cầu thủ nếu không được quản lý chặt, sẽ rất dễ liên quan đến các tệ nạn xã hội, đặc biệt là cá độ bóng đá.
Không ít cầu thủ Việt, sau hàng chục năm bóng đá nước nhà chuyển mình theo mô hình chuyên nghiệp vẫn giữ tác phong sinh hoạt theo kiểu nghiệp dư hưởng lương cao.
Năm 2014, dù không liên quan đến World Cup, nhưng vụ 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia bán độ tại AFC Cup, cũng là một cảnh báo về tệ nạn đáng sợ đang diễn ra âm ỉ với bóng đá Việt Nam.
Chỉ ít lâu sau, hàng loạt cầu thủ Đồng Nai cũng bị bắt giữ vì tham gia cá độ mùa World Cup, khiến làng bóng càng thêm lo lắng mỗi khi giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh diễn ra.
Trong quá khứ, không ít cầu thủ đã phải bỏ cả bóng đá để trốn nợ, có người còn bị dân anh chị tìm kiếm để đòi nợ. Máu cờ bạc, cá độ, bóng bánh đã đeo bám bóng đá Việt Nam từ lâu. Cứ mỗi kỳ World Cup kết thúc, lại có nhiều cầu thủ lại rơi vào cảnh thiếu tiền, thậm chí trắng tay.
Đặc biệt, cứ đến mùa World Cup hay Euro, lại xuất hiện những trận cầu “có mùi”, ở cả V-League và hạng Nhất. Nhiều trận đấu có tỷ lệ bàn thắng cao bất thường, và điều đáng nói là các trận đấu này diễn ra khi chẳng mấy ai quan tâm, vì thế những biểu hiện tiêu cực cũng không dược chú ý hay điều tra.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách đây chưa lâu, SportRadar, đối tác vủa VPF đưa ra văn bản cảnh báo có 3 đội đá ở giải hạng Nhất có nghi vấn bán độ. Bất chấp sự cảnh báo này là chính xác hay không chính xác, chúng ta cần phải thấy rằng, nguy cơ cầu thủ dính tới cờ bạc, cá độ bóng đá là không hề nhỏ nếu không có sự quản lý chặt và ý thức của từng người.