Úc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm
(Ảnh minh hoạ). |
Các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bao gồm: Tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài – tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài; Mồi ăn sử dụng trong ngành thủy sản đã được chiếu xạ, thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thủy sản và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản;
Tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín được khai thác từ Vùng đặc quyền kinh tế của Úc (theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982), nhưng không bao gồm tôm từ Vùng này đã được xuất khẩu và được nhập khẩu trở lại Úc sau khi đã được chế biến cũng nằm trong diện được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu của Úc.
Các sản phẩm nêu trên được dỡ bỏ lệnh cấm là do Bộ nghiệp và Tài nguyên nước Úc cho rằng nguy cơ lây lan virus đốm trắng từ các sản phẩm này là thấp hoặc không có nguy cơ gây nên lây lan.
Trước đó, do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại bang Quuensland nên Chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, họ đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD.
Hai doanh nghiệp chịu ảnh hưởng này mỗi tháng xuất khẩu sang thị Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp đang kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Theo đánh giá của Thương vụ Úc, lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín sẽ gây tổn thất khoảng nửa tỷ USD trong vòng 6 tháng tới đối với ngành công nghiệp thủy sản của Úc. Giá tôm đã tăng lên trong thời gian gần đây và không thể dự đoán được giá sẽ tăng lên mức bao nhiêu.
ASIA cho biết, hơn một nửa số tôm được tiêu thụ ở Úc là tôm nhập khẩu, do vậy lệnh cấm nhập khẩu này sẽ có tác động đáng kể đối với nguồn cung. Lệnh cấm này đã gây ra sự ngạc nhiên cho ngành thủy sản vì nó được đưa ra mà không cảnh báo trước cho các doanh nghiệp để có thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, ASIA cũng cho rằng việc hạn chế nhập khẩu sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đối với uy tín thương mại quốc tế của Úc và sẽ rất khó để khôi phục nó.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc nói rằng, quyết định đình chỉ thương mại này không gây ra ảnh hưởng đến các mối quan hệ thương mại của Úc. Bộ này thừa nhận việc ban hành lệnh cấm này sẽ gây ra tác động tới nhiều ngành công nghiệp khác và cộng đồng Úc. Tuy nhiên Bộ cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ cho ngành nông, lâm và thủy sản có trị giá hơn 60 tỷ đô của nền kinh tế.