Trường có 9 học sinh đuối nước: Hồ bơi ở trường hoạt động cầm chừng
Tháng 4/2016, 9 học sinh của trường THCS Nghĩa Hà bị đuối nước trên sông Trà Khúc. Vụ tai nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hạn chế trong việc dạy bơi cho học sinh. Để tránh những tai nạn đáng tiếc tiếp tục xảy ra, một doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ 1,6 tỷ đồng xây dựng hồ bơi cho trường THCS Nghĩa Hà với mục tiêu "phổ cập" môn bơi cho tất cả học sinh trên địa bàn xã.
Sau 1 tháng thi công, hồ bơi có diện tích 500 m2 được đưa vào sử dụng trong sự vui mừng của người dân. Tuy vậy chưa đầy 3 tháng sau, hoạt động của hồ bơi bắt đầu "chật vật" khi nguồn kinh phí của trường không thể kham nổi.
Hồ bơi của trường THCS Nghĩa Hà hoạt động kém hiệu quả vì thiếu kinh phí. |
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Quyền Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Hà, mỗi tháng chi phí duy trì hoạt động của hồ bơi khoảng 10 triệu đồng, ngoài ra còn phải trả tiền công cho người quản lý 700 ngàn đồng/tháng. "Nguồn kinh phí này quá lớn đối với nhà trường nên chúng tôi phải thu của các em 20 ngàn đồng mỗi tháng để có kinh phí hoạt động".
Cô Nga cho biết, mới đây trong hoạt động "Bơi cùng Ánh Viên" do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức tại Quảng Ngãi, nhà trường được tài trợ 100 triệu đồng để chi trả kinh phí hoạt động cho hồ bơi. "Có nguồn tài trợ là chúng tôi dừng thu tiền của học sinh nhưng cũng chỉ ít tháng nữa là kinh phí lại hết. Hồ bơi là công trình họ làm tặng rồi mình nhận nên lúc đó cũng chưa tính đến vấn đề kinh phí hoạt động". Cần phải nói thêm rằng, khi hồ bơi hoàn thành các cơ quan, đơn vị liên quan đã cam kết hoạt động học bơi cho học sinh trường THCS là hoàn toàn miễn phí.
Ngoài việc thiếu kinh phí hoạt động, trường còn thiếu cả giáo viên dạy bơi. Trường THCS Nghĩa Hà hiện có trên 700 học sinh với 20 lớp, tuy nhiên chỉ có 1 giáo viên phụ trách. Vì vậy trong một học kỳ nhà trường chỉ tổ chức dạy bơi cho 7 lớp với 200 học sinh, mỗi lớp được học 1 buổi/tuần.
Theo thầy Trần Quang Đế - giáo viên phụ trách môn bơi, hoạt động dạy bơi của nhà trường chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số học sinh và chất lượng dạy, học bơi cũng không cao. "Một mình tôi chỉ quản lý, hướng dẫn được cho một nhóm nhỏ học sinh. Thực tế thời gian tập bơi dưới nước của các em chưa tới 50 phút mỗi buổi. Vì vậy sau 1 học kỳ thì tỷ lệ biết bơi chỉ đạt 50%". Với cách sử dụng hồ bơi và chất lượng dạy bơi như hiện nay không biết đến bao giờ trường THCS Nghĩa Hà mới "phổ cập" được môn bơi cho học sinh.
Bên cạnh đó, tuy mới được đưa vào sử dụng nhưng hồ bơi tại trường THCS Nghĩa Hà đã xuống cấp. "Sơn dưới đáy hồ bong tróc từng mảng lớn, thành hồ bằng thép nhưng cũng đã bắt đầu rỉ sắt. Tôi sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh khi bơi", thầy Đế băn khoăn.
Lớp sơn dưới đáy hồ bong tróc rất nhanh. |
Việc thành và đáy hồ bơi bị rỉ sắt, bong tróc sơn có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. |
Hồ bơi xuống cấp ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước nhưng việc vệ sinh hồ bơi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để làm sạch đáy hồ cần máy hút chuyên dụng. Loại máy này có giá dao động từ 18 - 25 triệu đồng nhưng gần 1 năm qua trường cũng không có kinh phí trang bị. Vì thế, việc vệ sinh đáy hồ được thực hiện thủ công trong điều kiện nước trong hồ vẫn còn nguyên. "Việc bơm nước rất khó khăn vì đôi khi giếng bơm hết nước, từ trước đến giờ nhà trường ít thay nước mà chỉ dùng các loại hóa chất trong danh mục cho phép để xử lý nước rồi cho người lội vào vệ sinh thủ công", thầy Đế cho biết thêm.
Những vấn đề trên cho thấy hoạt động của hồ bơi tại trường THCS Nghĩa Hà đang gặp rất nhiều khó khăn khiến tỷ lệ học sinh được học bơi đạt thấp. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng trường THCS Nghĩa Hà và ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi vẫn chưa tìm được "đáp án" tối ưu cho bài toán kinh phí hoạt động của hồ. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trường có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả sử dụng hồ bơi, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà lại khẳng định: "Hoạt động của hồ bơi như hiện nay là phù hợp nên không cần tăng thêm công suất".