Trong tuần, nhà đầu tư vàng lại mất 220.000 đồng/lượng
Qua 1 tuần giao dịch với dư âm của những ngày nghỉ lễ, thị trường vàng trong nước tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng và có chiều hướng giảm giá liên tiếp. Từ diễn biến này, giá vàng trong tuần đầu tháng 5 chưa thực sự có dấu hiệu khởi sắc khiến nhiều nhà đầu tư đang chịu thua thiệt.
Vàng SJC giảm mạnh giá mua vào
Ở phiên giao dịch cuối tuần trước (29/4), giá vàng được Công ty VBĐQ Sài Gòn duy trì niêm yết ở mức 36,65 triệu đồng/lượng (mua vào); giá bán ra 36,85 triệu đồng/lượng, chênh lệch vẫn là 200.000 đồng/lượng và gần như ngang bằng với mức giá mua – bán ở cuối phiên trước.
Giá vàng SJC giảm mạnh qua 1 tuần giao dịch. (Ảnh minh họa:KT) |
Cùng thời điểm đó, giá vàng mua vào tại Tập đoàn DOJI cũng giảm 30.000 đồng/lượng so với phiên trước về mức 36,69 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ở chiều bán ra, vàng DOJI lại tăng 30.000 đồng/lượng lên mức 36,79 triệu đồng/lượng đã khiến chênh lệch tăng lên 100.000 đồng/lượng.
Bước vào tuần giao dịch mới khi đang trong kì nghỉ lễ, giá vàng bán ra dù có tăng nhẹ trong 2 phiên đầu tuần nhưng sau đó liên tục suy giảm. Từ mức giá 36,88 triệu đồng hồi đầu tuần, giá vàng giảm trong các phiên giao dịch sau đó về ngưỡng 36,6 triệu đồng/lượng.
Đến phiên giao dịch cuối tuần này (6/5), giá vàng được Công ty VBĐQ Sài Gòn duy trì niêm yết ở mức 36,30 triệu đồng/lượng (mua vào); giá bán ra 36,63 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua –bán đã tăng lên 330.000 đồng/lượng nhưng so với cùng thời điểm tuần trước, giá vàng đã giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 220.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cùng thời điểm cuối tuần này, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào 36,49 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với phiên trước. Tương tự, giá vàng bán ra đang là 36,57 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá mua vào 80.000 đồng/lượng. So với cuối tuần trước, giá vàng mua vào giảm 200.000 đồng/lượng và giảm 220.000 đồng/lượng.
Như vậy, sau khi tăng thêm 120.000 đồng/lượng ở tuần giao dịch trước, giá vàng tuần này liên tục giảm sâu. Đáng chú ý là khi giá vàng đồng loạt giảm, mức chênh lệch giá mua – bán vàng đã lập tức được các công ty kinh doanh vàng bạc điều chỉnh tăng. Từ mức chênh lệch 200.000 đồng/lượng đến cuối tuần này đã tăng lên trên 300.000 đồng/lượng.
Một điểm khác biệt nữa trong tuần giao dịch vừa qua là do giá vàng thế giới giảm nhanh và mạnh hơn giá vàng trong nước, nên chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới đã giãn rộng khoảng cách, từ mức 2,7 triệu đồng/lượng của tuần trước lên mức 3,64 triệu đồng/lượng vào cuối tuần này.
Giá vàng thế giới mất tới 3.1% giá trị trong tuần
Cuối tuần trước, dự báo về giá vàng tuần vừa qua, phần lớn chuyên gia và nhà đầu tư trên Phố Wall (Wall Street) và Main Street đều dự báo giá vàng sẽ phục hồi trong tuần tới trong bối cảnh những lo ngại về rủi ro địa chính trị - kinh tế tại Pháp, Triều Tiên và Mỹ đã được xoa dịu.
Tuy nhiên, theo một số quan điểm trái chiều, giá vàng tuần này đã phải rất chật vật để duy trì ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng giá trung bình của 200 ngày giao dịch gần nhất. Thị trường vàng sẽ phải “thử lửa” với một số trở lại lớn hơn, như phiên họp chính sách của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) và báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ.
Diễn biến giá vàng thế giới những phiên cuối tuần. |
Thực tế là giá vàng thế giới tuần qua đã liên tục giảm trước, trong và sau khi thông tin kinh tế Mỹ cũng như số liệu việc làm tháng 4 được công bố. Giá vàng đã giảm về mức thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây do nhiều lo ngại cho rằng FED sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Diễn biến căng thẳng chính trị và ảnh hưởng từ cuộc bầu cử tại Pháp cũng là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến giá vàng.
Cuối tuần này, Bộ Lao động Mỹ công bố đã có thêm 211.000 việc làm trong tháng 4, cao hơn nhiều so với con số ước tính trước đó là 185.000 việc làm. Điều này đã khích lệ chỉ số USD tăng cao làm gia tăng áp lực giảm giá vàng.
Hiện tại, giá vàng chốt tuần giao dịch đã giảm chỉ còn ở mức 1.227 USD/oz. Đây là mức giảm quá lớn so với 1.257 USD/oz ở cuối tuần trước./.