Trồng chè - Hướng thoát nghèo cho người dân Xà Dề Phìn
Cây chè vốn là cây truyền thống ở các huyện vùng thấp của tỉnh Lai Châu. Thế nhưng, thời gian qua, loại cây này đã được chính quyền địa phương đưa lên các huyện vùng cao và coi đây là loại cây chiến lược xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.
Nằm ở độ cao trên 1.600 mét so với mực nước biển, xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào canh tác nương rẫy.
Xuất phát từ vùng chè cổ thụ ở địa phương, 2 năm qua huyện Sìn Hồ đã ban hành nghị quyết phát triển vùng chè tập trung ở nơi đây. Vùng đồi trọc với toàn cỏ dại và dây leo ngày nào, người dân không thể canh tác được thì nay đã được phủ kín bởi cây chè.
Bà con chăm sóc chè. (Ảnh: Internet) |
Hai năm kể từ ngày đưa cây giống về trồng, đến nay cây chè đã phát triển xanh tốt, bước đầu khẳng định được sự thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tạo được niềm tin với bà con nhân dân các dân tộc địa phương. Bà Giàng Thị Mẩy, một người dân trồng chè tại xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết, ban đầu, nhiều người nghi ngờ về sự phát triển của cây chè, vì trước đây người dân có trồng một số cây trên diện tích này nhưng đều không có kết quả.
“Được cán bộ kĩ thuật về vận động, bà con đã tiếp tục trồng và thấy cây chè đã sống và phát triển tốt. Bà con trong xã rất vui mừng, mong rằng chè sớm đến ngày thu hoạch”, bà Mẩy cho biết.
Tuy là giống cây trồng mới, nhưng đến nay toàn xã đã có 170 hộ gia đình mạnh dạn đăng ký trồng, nhà ít cũng trên 1 ha, nhà nhiều lên đến gần chục ha.
Lâu nay bà con chỉ quen với việc chăm sóc cây ngô, cây lúa trên nương, thì giờ đây cùng với sự hỗ trợ của cán bộ trung tâm khuyến nông huyện, bà con đã dần làm quen và biết chăm sóc cây chè. Phong trào trồng chè giờ đây đã nhân rộng ra hầu khắp các bản trong xã và trở thành cây chủ lực thay thế các cây trồng truyền thống ở địa phương.
Ông Đặng Kiên, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ cho biết, Trạm đã phối hợp với xã triển khai trồng giống chè Shan, giống chè này phù hợp với vùng cao. Đối với xã Xà Dề Phìn, cây chè rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương nên sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Trong khi chờ đợi có thu hoạch từ diện tích chè mới trồng, hiện nay vùng chè cổ thụ hơn chục ha hàng trăm năm tuổi là chỗ dựa và cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Từ ngày phát hiện vùng chè cổ, địa phương đã thu hút hàng nghìn lượt du khách về thăm thú, cũng như tìm hiểu văn hóa của người dân bản địa. Nhờ đó, cùng với việc bán lá chè xanh, sản phẩm chè khô tự sao và phục vụ du khách những ngày ăn nghỉ tại địa phương, người dân đã có nguồn thu nhập đáng kể để ổn định cuộc sống.
Ông Mùa Hồ Sinh, ở bản Chang, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết, mỗi năm vườn cây chè cổ của gia đình cũng cho thu hoạch vài đợt, mỗi đợt khoảng 6 - 7 tạ, với giá hiện tại là khoảng 25.000 đồng/kg chè xanh và 400.000 – 500.000 đồng/kg chè khô.
“Gia đình bán chè cũng được một khoản tiền lớn để gia đình trang trải, và lo thêm một phần ăn học cho con cái”, ông Sinh cho biết.
Cây chè giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn vùng cao xã Xà Dề Phìn, dần thay thế các cây trồng truyền thống khác. Cùng với việc tập trung chăm sóc diện tích chè mới trồng, bảo vệ diện tích chè cổ, người dân đã tập trung bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn để đảm bảo môi trường và nguồn nước cho vùng chè phát triển.
Ông Sùng A Giờ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết, sau khi có chủ trương trồng chè, xã đã thành lập các ban chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo các đoàn thể xuống bản tuyên truyền cho nhân dân.
“Phòng NN&PTNT và Trạm Khuyến nông huyện cũng đã cử cán bộ trực tiếp vào xã để hướng dẫn cho bà con nhân dân. Đồng thời, xã cũng đã kiến nghị và mở được 4 lớp để hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng chè cho bà con”, ông Giờ cho hay.
Cây chè đã bám rễ trên vùng đất dốc Xà Dề Phìn và đang thích nghi, phát triển xanh tốt. Đồng bào dân tộc Mông nơi đây tin rằng, đây sẽ là cây trồng hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao và là giống cây chủ lực giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững./.