Triệt phá đường dây làm giả con dấu, chiếm đoạt tài sản tại Hải Dương
Đại diện phòng An ninh điều tra (ANĐT), (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 20/5 vừa qua, cơ quan này vừa điều tra, làm rõ một đường dây làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng của vụ lừa đảo |
Làm giả giấy tờ để vay hàng tỷ đồng
Theo đó, cơ quan (ANĐT) đã khởi tố 4 đối tượng. Trong đó, bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi phạm tội trên.
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Thị Hiển (SN 1981, khu Kim Lai, phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương); Bùi Thị Nguyệt Nga (SN 1984, Hà Nội); Vũ Điều Thuận (SN 1993, thôn Đá Bạc, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và Lò Kim Phượng (SN 1982, trú tại tổ 14, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, Sơn La).
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, vào lúc 9h30 ngày 17/3, tại Bưu cục tỉnh Hải Dương, Cơ quan ANĐT phát hiện Phạm Đình Quyền (SN 1997, trú tại huyện Thanh Miện, Hải Dương) dùng CMND mang tên Nguyễn Viết An ở Thanh Miện để rút 10 triệu đồng. Sau đó, đã được công ty tài chính giải ngân theo gói vay sử dụng sim Viettel.
Qua đấu tranh, khai thác với Quyền và một số người có liên quan, cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Hải Dương xác định: Văn phòng công ty tài chính có trụ sở tại TP. Hải Dương chuyên hoạt động tư vấn và giúp khách hàng lập hồ sơ vay vốn tiêu dùng các gói vay tại TP. Hải Dương.
Vì tìm hiểu thấy thủ tục đơn giản nên ngày 10/3, Quyền và An đến làm thủ tục vay vốn và được Nguyễn Thị Phương Anh - nhân viên của văn phòng này tư vấn gói vay tiêu dùng chỉ cần sim điện thoại của hãng viettel, CMND, ảnh 3x4 và sổ hộ khẩu.
Lúc này, Quyền không mang CMND nên nhờ An đứng tên vay hộ. Mặc dù cả hai đều không mang sổ hộ khẩu nhưng Phương Anh vẫn nhận lo giúp thủ tục. Đúng theo lịch hẹn, Quyền đến rút tiền thì bị bắt.
Sau đó, Phương Anh khai tại cơ quan công an: “Do hồ sơ của An không có sổ hổ khẩu nên tôi và Đỗ Thị Hương (nhân viên của công ty tài chính này) đã viết thêm thông tin của An vào sổ hộ khẩu của gia đình ông Nguyễn Hữu Bản (ở Ninh Giang, Hải Dương) để hợp thức hóa số hộ khẩu cho hồ sơ của An”.
Theo đó, Hương quét sổ hộ khẩu đó và sử dụng phần mềm để tạo ra dấu và chữ ký giả của công an xã rồi truyền dữ liệu qua công ty thẩm định và đề nghị công ty tài chính giải ngân. Đến sáng 17/3, Phương Anh nhắn tin cho Quyền biết mã số để ra bưu cục Hải Dương rút tiền.
Mua chuộc nhân viên bưu điện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút tiền
Quá trình đấu tranh, Phòng An ninh điều tra xác định Phương Anh và Hương đã cùng với Nguyễn Thị Hiển (cộng tác viên của công ty tài chính) giả mạo hồ sơ cho nhiều khách hàng.
Hiển là người tìm kiếm khách hàng, lập hồ sơ vay vốn, còn Phương Anh và Hương sử dụng mã đẩy lên hệ thống, giả mạo khách hàng để trả lời thẩm định, trả lời tham chiếu với nhân viên của công ty tài chính nhằm lừa dối về khoản vay của các hồ sơ khách hàng được giải ngân.
Đối với những khách hàng không đủ điều kiện (như không có CMND, sổ hộ khẩu), Hiển cùng đồng bọn làm giả thông tin khách hàng. Khi được công ty tài chính giải ngân, sau khi trừ chi phí mua sim, mua sổ hộ khẩu, thuê người làm sai lệch hồ sơ, Hiển cắt 5% khoản vay khách hàng được giải ngân.
Trong số này, Hiển chia cho văn phòng của công ty 2,5 %, số còn lại Hiển được hưởng.
Từ năm 2017, Hiển câu kết với Bùi Thị Nguyệt Nga, Vũ Điều Thuận và Lò Kim Phượng cùng thực hiện hành vi phạm tội. Khi đó, Nga là người mua các CMND và sổ hộ khẩu thông qua một nhóm bạn trên mạng xã hội. Hiểu biết về công nghệ, Thuận đã sử dụng phần mềm photoshop để tẩy xóa thông tin.
Sau khi hoàn tất, Thuận gửi lại cho Nga để kiểm tra lại thông tin hoàn thiện hồ sơ, đẩy lên hệ thống gửi đến công ty tài chính. Khi hồ sơ được thẩm định, Hiển, Nga, Thuận sử dụng điện thoại thay đổi giọng nói để đóng giả khách hàng.
Tiếp đó, sau khi được giải ngân, Thuận trao đổi thông tin với Phượng để đối tượng này rút tiền tại Bưu cục Yên Châu, Sông Mã, Trường Sinh, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.
Qua đấu tranh, tài liệu thu thập được, 4 đối tượng đã làm giả hồ sơ mang tên Nguyễn Thị Thủy ở Hải Dương và đã được giải ngân 20 triệu đồng; Hoàng Anh Tú ở TP. Hải Dương là 25 triệu đồng. Ngoài ra, còn một số khách hàng ở TP. Thái Nguyên với số tiền được giải ngân từ 25 đến 30 triệu đồng.
Để tránh bị phát hiện, Phượng đã thuê người đi rút tiền. Đối tượng này còn cho biết đã sử dụng tiền để mua chuộc nhân viên bưu điện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút tiền.
Ngoài ra, các đối tượng mua sim điện thoại cũ của Viettel đã qua sử dụng. Là nhân viên của công ty, các đối tượng có mã nên dễ dàng kiểm tra xem sim có đủ điều kiện để vay tiền hay không.
Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, tại thời điểm bị bắt, đã thu giữ 11 sổ hộ khẩu không có chữ nhưng có hình dấu của Công an TP. Thái Nguyên; 3 sổ hộ khẩu không có chữ, không có dấu, hàng trăm CMND các loại, nhiều sim điện thoại và nhiều phương tiện, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng. Hiện tại, vụ án đang được Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục được điều tra, làm rõ./.