Trẻ đuối nước, ai là người có lỗi đầu tiên?
Trong thời gian trở lại đây, số trẻ nhập viện do tai nạn đuối nước tăng cao. Đa số các trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do rơi xuống ao, hồ, sông…
Tỉnh Quảng Ninh có mật độ ao, hồ, sông, ngòi khá dày đặc, đặc biệt là các địa phương: Quảng Yên, Tiên Yên, Đông Triều, Móng Cái… nên tình trạng đuối nước xảy ra khá thường xuyên. Cũng có khi, do các bậc phụ huynh lơ là trong lúc tắm cho trẻ nhỏ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các cháu dễ dẫn đến tình trạng ngạt nước. Hầu hết các cháu đều nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, khả năng tử vong cao.
Trẻ bị tai nạn đuối nước nguy cơ ngạt thở rất cao |
Là một bà mẹ có con trai mới 8 tháng tuổi, lo lắng về việc trẻ em bị rình rập bởi tai nạn đuối nước, chị Phạm Thị Hoài, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi thấy tình trạng trẻ nhỏ bị đuối nước đang diễn ra nhiều, cảm thấy rất lo lắng. Tôi nghĩ phần lớn là do trách nhiệm của bố mẹ không để ý sát sao con cái. Là một người mẹ có con nhỏ, tôi cũng mong rằng tôi và các bậc phụ huynh sẽ quan tâm, để ý và chăm sóc con tốt hơn để tránh tình trạng các cháu bị đuối nước”.
Từ đầu hè đến nay, bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp trẻ bị đuối nước do bất cẩn từ phía gia đình trong quá trình trông giữ trẻ. Mới đây, Bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng bị đuối nước, trong đó có 1 trường hợp tiên lượng khả năng não của bé không hồi phục được, tổn thương tế bào não nguyên nhân do thiếu oxy não kéo dài.
Hay như trường hợp bé Ngô Văn B.(6 tuổi), thường trú tại xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh bị đuối nước khi chơi sông cùng bạn. Bé nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, khó thở. Hiện tại sau 3 ngày điều trị, bé đã tỉnh, tình trạng ổn định hơn, ăn tốt và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Trẻ bị đuối nước tiên lượng bị tổn thương tế bào não |
Bà Đặng Thị Len, bà nội của bé cho biết: “Vừa vào viện, các bác sỹ cũng nói tình hình rất nguy hiểm vì cháu rất khó thở thì cứ để cháu theo dõi qua đêm. Nhưng may quá, sáng nay cháu không việc gì, khỏe trở lại, tiếp tục nằm theo dõi. Lo cho cháu quá, hôm qua may mà có người cứu cháu lên”.
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Để phòng đuối nước cho trẻ em, nhất là những trẻ dưới 6 tháng tuổi thì không nên để trẻ chơi một mình, phải luôn luôn có người giám sát trẻ khi chơi đùa; trong quá trình xây dựng phải có rào chắn xung quanh ao, hồ, bể bơi gần nhà.
Mọi việc khi đã xảy ra thì việc cấp cứu ban đầu là rất nghiêm trọng, phần lớn những đứa trẻ khi đến viện có di chứng não hoặc biến chứng tim mạch, phổi nên điều trị khi đó rất khó khăn, tỷ lệ thành công thấp; đa phần những trẻ được cấp cứu kịp thời khi đến viện theo dõi thêm có thể hồi phục hoàn toàn" - bác sĩ Hoàng Tùng nói.
Trên thực tế, tai nạn do đuối nước ở trẻ em không ngừng gia tăng. Đây là hồi chuông báo động để các bậc cha mẹ, nhà trường cần nhanh chóng cho con em mình học kỹ năng an toàn khi đi bơi. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng không được chủ quan, phải luôn quan tâm tới trẻ để không xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước./.