Trào lưu diễn viên “ngoại” trong phim Việt
Trong danh mục phim Việt ra rạp năm 2016, ngoài những phim 100% Việt Nam, những phim có đạo diễn Việt Kiều, phim có “yếu tố ngoại” ở các khâu như quay phim, âm thanh, hậu kỳ…, đã thấp thoáng như mốt- trào lưu- xu hướng diễn viên ngoại trong phim điện ảnh Việt.
Diễn viên Trung Quốc Can Đình Đình trong bộ phim 'Hà Nội, Hà Nội'. |
Diễn viên “ngoại” trong phim điện ảnh Việt không lạ, dù mãi đến năm 2007 2 phim đầu tiên có diễn viên “ngoại” là Can Ðình Ðình trong phim “Hà Nội Hà Nội”, Cha Ye Ryeon, Hong So Hee trong phim kinh dị “Mười”...
Đến năm 2010 yếu tố “ngoại” tham gia các dự án phim ở nhiều khâu và ngày càng phát triển, nhưng diễn viên “ngoại” thì vẫn còn “trốn” đâu đó chưa thấy bóng dáng trong phim Việt. Nhưng 4 năm trở lại đây thì việc có diễn viên “ngoại” trong phim diện ảnh Việt đã tạo nên một làn sóng có thể xem như một chiêu, trước hết để PR phim.
Sau một thời gian diễn viên Việt kiều về nước đóng phim không còn là “chiêu” lạ để PR, hay tạo “làn sóng mới” cho phim điện ảnh Việt thì năm 2012 có thể xem là cột mốc cho "mốt" diễn viên “ngoại” hiện diện trong phim điện ảnh Việt.
Đầu tiên là các bạn láng giềng Đông Nam Á, với 2 đề tài được khai thác trong thời kỳ đầu “nhập cảnh” có cách biệt khá lớn: Phim võ thuật giải trí, phim nghệ thuật kén khán giả. Chùm phim ngắn “Ngọc Viễn Đông”- đạo diễn Cường Ngô đã mời 2 người mẫu quốc tế Richie Kul và Kris Duangphung tham gia 2 chương Thuyền và Trăng huyết.
Richie Kul mang 2 dòng máu Trung Quốc- Thái Lan, là đại diện của công ty đào tạo và quản lý người mẫu hàng đầu tại Mỹ: NEXT Model Agency . Richie Kul cùng Trương Ngọc Ánh thể hiện tình yêu mê đắm trong chương 4 Thuyền, vào vai nhà khảo cổ học vô tình gặp và yêu 1 người phụ nữ mạnh mẽ có thân phận bí ẩn.
Ở chương 3 Trăng huyết, người mẫu Đức, gốc Thái Kris Duangphung cặp đôi cùng “đả nữ” Ngô Thanh Vân, diễn vai 2 anh em sống tách biệt với thề giới bên ngoài, nỗi cô đơn và khát khao tình yêu của 2 anh em như bản năng con người đã tạo cho họ những cảm giác khác biệt.
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh đã quyết rủ được John Ruby, mắt xanh tóc vàng 100% và không biết gì về Việt Nam tham gia dự án phim về đời sống Việt kiều trong Touch- Chạm. Lấy nghề nail, một nghề thông dụng và kiếm tiền nhiều của phụ nữ gốc Việt ở Mỹ làm nguyên nhân cho những va chạm, phim xoay quanh mối quan hệ giữa cô thợ làm nail tài năng nhưng có cuộc sống riêng nhiều trắc trở tên Tâm (Porter Lynn) và Brenda (John Ruby), anh chàng thợ máy đang gặp rắc rối với cuộc hôn nhân của mình…
“Ranh giới trắng đen” là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam do đạo diễn “ngoại” Indonesia Najantolis chỉ đạo thực hiện, diễn viên kết hợp 3 quốc gia: Võ Thành Tâm, Phan Như Thảo, Thúy Diễm của Việt Nam; Guntur Triyoga, Siti Dewi Rahmawati, Roger Danuarta của Indonesia; Pang Swee Teow của Singapore. Phim thuộc thể loại hành động, xoay quanh hành trình bảo vệ chính nghĩa của một nam diễn viên võ thuật tình cờ bị biến thành mục tiêu của một băng đảng tội phạm khét tiếng giang hồ và trở thành “anh hùng bất đắc dĩ”.
Đến năm 2013, sự “hội nhập” trong điện ảnh Việt Nam thể hiện nhiều hơn, có nhiều nền điện ảnh toàn cầu ảnh hưởng, nên việc có mặt các diễn viên “ngoại” cũng mở biên độ, tầm ngắm rộng hơn. Ngoài Đông Nam Á, châu Á còn “tia” sang tận lãnh địa Hollywood.
Phim hành động “Angels”- Thiên thần do đạo diễn Thái Lan Wych Kaosayananda thực hiện. Phim kể về hành trình báo thù của một người cha khi hay tin con gái bị chết thảm nơi đất khách quê người. Ngôi sao hành động Việt Nam Dustin Nguyễn diễn vai chính Johnny, diễn viên Thái Lan Sahajak Boonthanakit vai Peter bạn đồng hành cùng Johnny. Vai phản diện được thể hiện bởi Gary Daniels, người Anh. từng vô địch Kick Boxing. Đặc biệt bộ phim có sự góp mặt của diễn viên siêu sao Hollywood Angelina Jolie.
"Psy nhí" trong “Lọ Lem Sài Gòn” |
“Lọ Lem Sài Gòn” do đạo diễn Hàn Quốc Kim Guk Jin và đạo diễn Việt Nam Đỗ Mai Nhất Tuấn cùng thực hiện. Nam diễn viên Hàn Quốc Lee Min Woo vào vai nam chính Jun Oh. Phim còn có vai khách mời là cậu bé lai Việt nổi tiếng từ MV Gangnam Style- “Psy nhí” Hwang Min Woo. Phim là câu chuyện về nam thần tượng Hàn Quốc sang Việt Nam làm giám khảo trong một cuộc thi. Tại đây, anh nảy sinh tình cảm với một cô gái nghèo, xinh đẹp và thông minh….
“Lửa Phật”- Dustin Nguyễn, diễn viên Roger Yuan , đạo diễn hành động nổi tiếng Hollywood và là diễn viên của hàng loạt phim bom tấn như: Shanghai noon, Lethal Weapon 4 , Batman Begins , Black Dynamite … trở thành đối thủ của Dustin Nguyễn, bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam.
Trong phim ngắn “Faifo”- đạo diễn Cường Ngô , Ngô Thanh Vân lại bén duyên cùng 1 diễn viên Thái Lan khác: Jimmy Kuang . Nội dung phim xoay quanh tình yêu của An (Ngô Thanh Vân), phóng viên trẻ của một toà soạn tại Sài Gòn được cử đi công tác Hội An. Tại đây, cô đã tình cờ gặp nhiếp ảnh gia đam mê vẻ đẹp phố cổ tên Minh (Jimmy Kuang). Câu chuyện giữa An và Minh như trò đuổi hình bắt bóng mà chính họ cũng không ngờ kết quả sẽ thế nào.
Gần hơn là “Quyên”- đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình với Gary Daniel, “Và anh sẽ trở lại”- Đinh Tuấn Vũ với Nicolas Nguyễn..., và các dự án phim “Tình xuyên biên giới” có diễn viên Hồng Kông Mã Đức Chung, “Girl 2- Những cô gái và gangster” có sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao nước Mỹ, Đài Loan: Mike Tyson, Trương Quân Ninh, Tiết Khải Kỳ, Trần Ý Hàm... “Truy sát” được nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mời hàng loạt diễn viên nước ngòai như Lâm Vissay (người Đức); Thiên Nguyễn (người Úc); Marcus Guilhem (người Pháp) tham gia trong bộ phim.
Mới nhất phim kinh dị “Cô hầu gái” của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn giới thiệu đến công chúng diễn viên người Pháp Jean Michel Richaud vai nam chính, sánh đôi cùng Nhung Kate. Diễn xuất của anh được đánh giá tương đối tròn trịa, bắt nhịp được với các diễn viên Việt Nam (dù trong phim anh chỉ toàn đối thoại tiếng Anh).
Diễn viên “ngoại” ở mặt nào đó là sự đổi mới và theo chiều hướng “hội nhập” toàn diện hơn của phim điện ảnh Việt. Và không loại trừ diễn viên “ngoại” cũng là chiêu, trò để nhà sán xuất PR phim, tạo “vị” khác lạ khi các diễn viên trong nước đã quá quen, quá nhàm chán.
Đứng về góc độ nghề, rõ ràng các diễn viên “ngoại” có sự vượt trội nhiều mặt so với diễn viên Việt Nam, nhưng so với tổng thể của phim thì diễn viên “ngoại” vẫn chưa hòa nhập được “không khí” Việt, nên khi xem phim vẫn thấy họ đôi khi chơi vơi, chưa tạo dấu nhấn ấn tượng.
Là “mốt”, trào lưu hay xu hướng diễn viên “ngoại”, nhìn chung đều là những yếu tố để lạc quan hơn với phim điện ảnh Việt Nam phát triển và có chất lượng. Nhưng nếu lạm dụng yếu tố “ngoại” này thì có thể lại làm mất đi bản sắc Việt trong phim Việt, Và đó cũng là thách thức với các nhà sản xuất, các đạo diễn phim điện ảnh Việt./.