TP.HCM dành hơn 17.800 tỷ đồng dự trữ hàng Tết Mậu Tuất 2018
Ảnh minh họa |
Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết, Sở Công Thương đã phối hợp các ngành, doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Nhiều giải pháp bình ổn thị trường
Theo Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho hai tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng hơn 743 tỷ đồng (4,17%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường đạt hơn 7.044 tỷ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, từ ngày 17/1/2018 đến 15/2/2018 (tức từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 10.601 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường chiếm khoảng 4.166 tỷ đồng.
Trong mùa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lượng hàng các doanh nghiệp chuẩn bị để cung ứng ra thị trường tăng 12% - 15% so kế hoạch TP.HCM giao và tăng 20% - 30% so kết quả thực hiện Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% - 55% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo...
Riêng lượng hàng nhập tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đều dự báo bình quân tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.
Đánh giá về công tác chuẩn bị hàng hóa cũng như dự báo tình hình thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, thị trường thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương; lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp TP.HCM còn có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối; trong đó, hội nghị kết nối cung - cầu dự kiến được tổ chức vào thời điểm tháng 12/2017 sẽ bổ sung thêm nguồn hàng đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, thông qua Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố Đông - Tây Nam bộ, Sở Công Thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cách nhau 1,5 tháng, thời gian nghỉ Tết dự kiến khoảng 7 ngày, nhu cầu mua sắm Tết dự kiến tăng từ đầu tháng 2/2018 dương lịch.
Qua khảo sát thị trường, kiểm tra các doanh nghiệp về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết cho thấy, các đơn vị đã có nguồn hàng chuẩn bị khá dồi dào, hệ thống phân phối phủ rộng… Bởi vậy, giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết dự báo ổn định, khó xảy ra biến động.
Đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu
Dự báo nhiều mặt hàng sẽ có sức mua tăng cao và tăng đột biến trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, do đó, các sở ngành TP.HCM đã đưa ra nhiều công cụ hiệu quả để đảm bảo điều tiết cung - cầu hàng hóa thiết yếu, tránh tình trạng sốt hàng tăng giá.
Đơn cử, đối với mặt hàng hoa, dự báo thị trường TP.HCM sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại. Vì vậy, Sở Công Thương TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tạo điều kiện cho thương nhân và nhà vườn ở các địa phương gặp gỡ, trao đổi về liên kết cung ứng - thu mua, công tác chuẩn bị, đảm bảo nguồn cung thị trường Tết.
Đối với mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM sẽ đạt khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết và thông tin từ các nhà máy bia, giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, thời gian qua, ngành công nghiệp đồ uống đã và đang xuất hiện tình trạng tồn kho tăng cao; riêng 8 tháng đầu năm 2017 tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đó, sản lượng hàng tồn và dự trữ trong kho của doanh nghiệp rất lớn, nên khả năng thiếu hàng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khó có thể xảy ra. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khó tăng giá sản phẩm, bởi hiện nay trên thị trường không chỉ ngành đồ uống mà các ngành hàng khác có chủng loại phong phú, đa dạng, dồi dào... Điều này đòi hỏi đơn vị sản xuất kinh doanh vừa phải cạnh tranh bằng chất lượng vừa phải đảm bảo giá cả phù hợp.
Cùng quan điểm, đại diện một số công ty bánh kẹo cho hay, họ đang tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Nhiều nhà sản xuất hứa hẹn sẽ đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết năm nay với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân. Nhiều dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica... chú trọng đầu tư sản xuất để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, đạt giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.
Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối đã xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng trong Chương trình vào các ngày cận Tết.
Đặc biệt, các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC... tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Để đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và các sở, ngành thành phố sẽ Tết thực hiện 307 chuyến bán hàng lưu động phục vụ các quận ven - huyện ngoại thành, khu công nghiệp - khu chế xuất, bệnh viện... để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lũy kế 10 tháng đầu năm 2017 của TP.HCM đạt hơn 756.667 tỷ đồng, tăng 11,59 % so cùng kỳ. Ước cả năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 920.440 tỷ đồng, tăng 10,89% so năm 2016.
Từ đầu năm đến nay, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.