Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 525 về việc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Toàn cảnh Hội nghị |
Trên cơ sở chương trình, kết hoạch hoạt động của Quốc hội và tình hình thực tế ở địa phương, 5 năm qua, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp và kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương, cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng thời gian quy định. Thực hiện tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân; Công tác chuẩn bị các điều kiện tiếp xúc cử tri được thực hiện chu đáo cả về nội dung, chương trình, thành phần, số lượng, công tác an ninh và cơ sở vật chất.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, bên cạnh việc thông tin đầy đủ dự kiến, nội dung chương trình các kỳ họp Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội đã dành thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thu thập ý kiến của cử tri; Giải thích để nhân dân biết, hiểu đúng các chính sách pháp luật, động viên nhân dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công dân. Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và giám sát thực hiện.
Tại Hội nghị, qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của hoạt động tiếp xúc cử tri, trong đó việc các Đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm đã gây ảnh hưởng đến hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa phương đang làm việc; Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn chưa chu đáo, việc nắm bắt thông tin ở cơ sở phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chưa đáp ứng yêu cầu; Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cư tri có nơi còn chưa cụ thể, chung chung; Công tác tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri gửi đến đoàn Đại biểu Quốc hội còn chưa phân loại đúng thẩm quyền giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, việc truyền đạt các nội dung của kỳ họp Quốc hội đến cử tri cần đổi mới về phương thức, tránh dài dòng, không hiệu quả; Việc tiếp xúc cử tri nên thực hiện theo chuyên đề để tập trung vào trọng tâm, trọng điểm của từng lĩnh vực; Khắc phục tình trạng thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri chưa kịp thời, đầy đủ; Hoạt động tiếp xúc cử tri cần đảm bảo về thời gian và kế hoạch; Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nghiên cứu tăng thêm kinh phí để phục vụ cho hoạt động tiếp xúc cử tri.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đóng góp thêm một số ý kiến liên quan đến việc lựa chọn địa điểm, thành phần, cách thức tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến cử tri. Các nội dung này sẽ được đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp, bổ sung vào chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động của 2 bên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.