TOÀN CẢNH: Phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Ngày 20/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
10.55': QUỐC HỘI HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đa số nhất trí với đánh giá của Chính phủ 10.32': Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Báo cáo cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.Tuy nhiên, báo cáo đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó báo cáo cũng đánh giá cụ thể về một số chỉ tiêu chủ yếu như: GDP; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI); về thu, chi ngân sách nhà nước; về chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và tỷ lệ lao động qua đào tạo;... Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, báo cáo khẳng định: Chính phủ đã tích cực triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm nước hàng đầu trong ASEAN. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Báo cáo cũng đề nghị Chính phủ dự báo đầy đủ hơn tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ảnh hưởng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, quá trình bầu cử ở Mỹ và sự kiện Brexit đối với kinh tế Việt Nam. Về bối cảnh trong nước, đánh giá rõ hơn các yếu tố: Việc chuẩn bị các điều kiện và năng lực hội nhập cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở trình độ cao đối với Việt Nam; Các thách thức đối với quá trình phát triển do việc chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; Tác động trung và dài hạn của tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Khả năng giảm lợi thế cạnh tranh về lao động do những thuận lợi của thời kỳ "cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam sẽ không còn duy trì lâu dài và chính sách điều chỉnh tăng lương tối thiểu. Bên cạnh đó, theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời với tác động xấu của thiên tai, lũ lụt, bảo đảm cuộc sống người dân và ổn định sản xuất sau lũ lụt...
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ 10.05': Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Báo cáo cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Về điều hành của Chính phủ, cử tri và nhân dân hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ đổi mới hoạt động điều hành, xây dựng một Chính phủ hành động và liêm chính, phát triển đất nước theo hướng bền vững. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ nhân dân ở các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường biển. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc giải quyết vi phạm pháp luật công khai, kéo dài như khai thác khoáng sản trái phép, chặt phá rừng, buôn lậu qua biên giới; đẩy nhanh việc xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay; đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương có giải pháp để giảm nhanh số người có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nhất quán và tổ chức kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương quản lý thống nhất, rà soát quy hoạch các trường cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề trong cả nước; đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tăng cường nguồn lực bảo đảm công tác phòng, chống ma túy; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình rà soát việc quy hoạch các trung tâm nhiệt điện trong cả nước, ban hành các tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn hoạt động của các nhà máy nhiệt điện; tổ chức tốt việc đánh giá tác động môi trường,; tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc và thông tin công khai, minh bạch về tác động môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường và để nhân dân được biết; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân giám sát.... Về sự cố môi trường ở miền Trung, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương xác minh, kết luận, công bố công khai về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra; Công ty phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả sự cố môi trường và giải quyết đền bù cho người dân; Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung...
Cử tri và nhân dân cũng đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra 9.12': Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 (xem toàn văn báo cáo TẠI ĐÂY).
Báo cáo khẳng định những kết quả đã đạt được khá toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... năm 2016; đồng thời nêu rõ những hạn chế yếu kém... qua đó Chính phủ đề ra các giải pháp chủ yếu, với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức cả về chủ quan, khách quan thực hiện đạt mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra. Cụ thể, trong năm 2016, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn; mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội; kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức....
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên. Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.
Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.
Đề ra 9 giải pháp chủ yếu, báo cáo khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Nêu cao trách nhiệm, đáp ứng mong đợi của nhân dân
9.00': Phiên khai mạc bắt đầu. Các đại biểu Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc. Tham dự Phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế… Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Chia sẻ với khó khăn của đồng bào miền Trung, Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống. Điểm qua những thuận lợi, khó khăn của hình trong và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Nêu những nội dung quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Nhân ngày 20/10, Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời chúc tốt đẹp đến những người phụ nữ Việt Nam.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Theo chương trình phiên khai mạc, sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
8.00': Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV. Chia sẻ với khó khăn của đồng bào miền Trung ruột thịt, các đại biểu Quốc hội đã khuyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt.
Trong đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV vào lăng viếng Bác có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng… Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 7.15': các vị đại biểu Quốc hội vào Lăng đặt vòng hoa và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
* Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV diễn ra khi tình hình biến đổi khí hậu trong nước diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mặc dù khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế là rất lớn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đã tạo ra không khí mới, động lực mới, niềm tin và kỳ vọng vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.
Chú trọng công tác lập pháp
Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật khác, 01 nghị quyết.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn trong 2,5 ngày
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và tiến hành chất vấn-trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.
Đổi mới việc tranh luận trên nghị trường
Được biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ có nhiều đổi mới. Trước hết, về công tác lập pháp, để nâng cao chất lượng luật và để các dự thảo luật dễ dàng đi vào cuộc sống, Quốc hội đã có những quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm thời gian, tiến độ thủ tục trình các dự án Luật; yêu cầu cơ quan soạn thảo bảo đảm đúng quy trình thủ tục; trong quá trình thẩm tra sẽ mở những hội nghị chuyên trách để cùng nhau cho ý kiến tham gia vào các dự án Luật; tranh thủ thêm ý kiến của chuyên gia để tăng chất lượng Luật. Trong quá trình xin ý kiến về các dự án Luật, nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thảo luận để bảo đảm dự án Luật khả thi khi đi vào cuộc sống.
Thứ hai, Quốc hội sẽ đổi mới việc tranh luận trên nghị trường, tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế. Đồng thời, các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật sẽ tranh luận trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau; trong quá trình thảo luận, các đại biểu muốn tranh luận với các đại biểu khác hoặc với các Bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể đăng ký phát biểu, để quá trình thảo luận tại Hội trường đạt kết quả cao hơn. Trong quá trình chất vấn, trao đổi tại nghị trường, nếu còn nhiều câu hỏi vào cuối chiều thì sẽ kéo dài thêm, nếu vào buổi trưa thì cho tất cả các đại biểu Quốc hội hỏi hết, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ trả lời, nếu chưa trả lời hết thì sẽ trả lời đầy đủ bằng văn bản sau, do còn phải chuẩn bị cho nội dung làm việc buổi chiều của Quốc hội.