Tinh gọn bộ máy: Đụng chạm lợi ích nên phải quyết tâm cao
Ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương) nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN.
Ông Nguyễn Đức Hà: "Thực tế có việc liên quan 5-6 bộ nhưng cuối cùng không có bộ nào chịu trách nhiệm chính" |
PV: Nội dung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị lần này được nhấn mạnh. Vấn đề này cần được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị có nhiều nội dung, bao gồm cả rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức sao cho không chồng chéo, trùng lắp và để hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Một trong những nội dung rất quan trọng là rà soát, sắp xếp lại các tổ chức bên trong của từng tổ chức, tức phải rà soát lại các đơn vị trực thuộc một bộ, ngành, một cơ quan, địa phương. Trong Bộ thì phải xem lại các đơn vị tổng cục, các cục, vụ thế nào; trong tổng cục phải rà xem các cục, vụ trong đó ra sao, rồi rà soát đến các phòng trong các cục, vụ... để một người, một cơ quan có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một người và một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
“Vấn đề liên quan tổ chức động chạm đến tâm tư tình cảm, thậm chí lợi ích của cán bộ, đảng viên nên Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh, đây là vấn đề đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn và hành động quyết liệt mới thực hiện được” – ông Nguyễn Đức Hà.
Việc rà soát này sẽ khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp – điều dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và không ai chịu trách nhiệm. Thực tế đã cho thấy thấy có những việc liên quan đến 5-6 Bộ, hay trong một bộ do nhiều cụ, vụ thực hiện nhưng cuối cùng không bộ nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính.
Lần này Trung ương cương quyết rà soát xem xem bên trong các đơn vị, địa phương đó đã thu gọn chưa, số lượng cấp phó, số lượng lãnh đạo và chuyên viên ra sao, không để tình trạng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên.
PV: Việc đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền lợi. Đây cũng là rào cản khiến cho việc thực hiện tin giản biên chế lâu nay chưa đạt hiệu quả, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đặt ra từ lâu. Tuy vậy, đánh giá chung, bên cạnh kết quả bước đầu thì đối chiếu mục tiêu ban đầu vẫn chưa đạt được. Tổ chức vẫn phình to, biên chế không những không giảm mà còn tăng.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì đi liền với đó là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Điều đó động chạm, tác động đến tâm tư, tình cảm, thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích của công chức, viên chức nên đây là trở ngại.
Do vậy, Nghị quyết Trung ương lần này đặt ra yêu cầu, thứ nhất, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy phải tiến hành từng bước, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, có cơ chế chính sách phù hợp với đội ngũ bị tác động và cơ chế, chính sách chế độ đối với cán bộ sao cho hợp lý.
Bên cạnh đó phải có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, nơi nào làm tốt cần có khen thưởng, nơi nào không thực hiện được cần có chế tài xử lý, trước hết là người đứng đầu.
Tất nhiên, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là phải làm tốt công tác tư tưởng để mọi người thông suốt, nhận thấy việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là cần thiết, vì lợi ích chung của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Đồng thời với đó là quyết tâm của các cấp uỷ.
Như Tổng Bí thư nói phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, không thể nóng vội nhưng không thể chần chừ vì đây là việc rất cần thiết.
PV: Và việc kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là một trong những quyết định thể hiện quyết đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Việc Nghị quyết Trung ương lần này đặt ra vấn đề kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ là xuất phát từ tình hình thực tế.
Năm 2001, Bộ Chính trị khoá IX quyết định thành lập 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, trực thuộc Bộ Chính trị, giúp tham mưu về những vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng ở 3 vùng biên giới có vị trí địa chiến lược quan trọng.
“Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện chứ không làm đại trà, sau đó sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm” – ông Nguyễn Đức Hà.
Sau 15 năm hoạt động, các Ban Chỉ đạo này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Tình hình phức tạp trước đây đã ổn định, cấp uỷ chính quyền các địa phương trong vùng cũng chủ động và có sự phối hợp tốt hơn với các bộ ngành trung ương và địa phương trong khu vực, có khả năng giải quyết được những vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Trung ương nhận thấy 3 Ban Chỉ đạo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, không cần thiết tồn tại nữa, nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo này sẽ được chuyển giao cho cơ quan trung ương tương ứng hoặc cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là hiện những vùng rất khó khăn nên đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, đặc biệt là phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Có thể nói, Nghị quyết đặt ra đúng tầm, vừa sức. Với quyết tâm của Trung ương, lại được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tôi tin chúng ta sẽ thực hiện tốt. Nhiều địa phương cũng đã có sự tính toán sắp xếp, đón đầu và chỉ chờ có Nghị quyết Trung ương là tiến hành thực hiện./.