Tinh giản biên chế phải được kiểm soát chặt chẽ
Hôm nay (4/10), Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị lần này được dư luận hết sức quan tâm đó là việc tinh giản biên chế.
Theo Sở Nội vụ TPHCM, hiện thành phố đang sử dụng hơn 11.900 biên chế và khoảng 130.000 viên chức làm việc tại các đơn vị công lập. Từ năm 2013 đến nay, thành phố không còn tăng biên chế nữa. Tính đến nay, thành phố đã thực hiện tinh giản 200 biên chế, trong đó có 51 trường hợp là công chức, 99 viên chức, còn lại là hợp đồng và khối Đảng, đoàn thể.
Cùng với việc tinh giản biên chế, Sở Nội vụ đang kiến nghị thành phố lập ban chỉ đạo đôn đốc xây dựng và triển khai kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế hành chính và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nội vụ, đối với đơn vị sự nghiệp công lập có trên 120.000 biên chế, nhưng muốn tinh giản được 10% như Trung ương giao không dễ dàng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM. (Ảnh: Dân Trí) |
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, hiện nay thành phố sử dụng trên 3.000 biên chế để đảm bảo cho một đô thị đặc biệt. Nếu thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ sẽ gặp khó trong quản lý nhà nước ở địa phương. Do đó, việc tinh giản biên chế phải chấp hành theo Nghị quyết 39 của Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng phải làm như thế nào để cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cùng với việc nâng lương cho công chức, viên chức trong bộ máy.
“Chỉ có cách là phải chuyển mạnh các trung tâm, các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. Như vậy mới giảm dần tỷ lệ biên chế khu vực này và viên chức sẽ giảm dần. Nghị quyết 39 của của Ban Chấp hành Trung ương phải chấp hành, nhưng cách thực hiện như thế nào chứ nếu không thành phố không có con đường nào để tạo ra và nâng lương cho công chức, viên chức”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
TPHCM là đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 13 triệu người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học ngày càng gia tăng nên bộ máy hành chính của thành phố phải đảm bảo duy trì đội ngũ công chức, viên chức để phục vụ người dân một cách hiệu quả nhất.
Theo bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, từ khi tái lập lại các cơ quan Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường xã, biên chế của thành phố không tăng lên. Do đó, cùng với chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục, đẩy mạnh quyền tự chủ, tinh gọn bộ máy các lĩnh vực này, thành phố kiến nghị Trung ương cần phải xem xét việc tinh giản biên chế sao cho phù hợp với điều kiện của thành phố, không nhất thiết là phải đảm bảo tỷ lệ 10% theo quy định.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương tinh gọn bộ máy để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước cũng như vai trò của các cơ quan Đảng. Bộ máy hành chính của TPHCM hiện nay cũng phải nói là với sự phát triển như thế cũng cần phải kiến nghị Trung ương để xem xét bố trí nhân sự tương ứng với sự phát triển của dân cư”, bà Võ Thị Dung cho biết.
Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để làm việc hiệu quả hơn là việc cần phải làm. Tuy nhiên, khó ở chỗ là việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại nguồn nhân lực để vừa tinh giản vừa nâng chất lượng. Việc tinh giản này phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng chủ trương tinh giản biên chế để loại bỏ những người có năng lực. Tinh giản là phải tăng hiệu quả làm việc của công chức, viên chức phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mỗi người.
Theo bà Đặng Bích Vân, một công chức tại quận 1, TPHCM, khi đã tinh giản đội ngũ làm việc không hiệu quả thì những người còn lại nên có những chế độ chính sách để nâng cao mức thu nhập cho cán bộ công chức. Từ đó công chức mới đảm bảo được đời sống thì làm việc mới hiệu quả. Làm sao mức lương của cán bộ đủ sống để tránh những bộ phận gây ra tham nhũng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với thành phố lớn như TPHCM, để thực hiện được việc tinh giản biên chế, ngoài những giải pháp như xã hội hóa và đẩy mạnh quyền tự chủ cho một số đơn vị, lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thì cần phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tốt hơn. Song song với đó, các cơ quan cần sắp xếp lại vị trí việc làm theo năng lực từng người.
Qua sắp xếp này cùng với đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức, cơ quan quản lý sẽ đánh giá được năng lực từng người từ đó luân chuyển hoặc tinh giản theo quy định. Điều quan trọng nữa là phải có cơ chế lương thưởng phù hợp để công chức, viên chức của thành phố yên tâm làm việc đạt hiệu quả hơn./.