Tin lời “cò” xuất khẩu lao động, dân bị lừa hàng trăm triệu đồng
Thời gian gần đây, biết được mong muốn đi xuất khẩu lao động của người dân ở các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình, nhiều đối tượng đã giả danh các công ty đưa người đi xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân nhẹ dạ cả tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây nhất có 9 người dân tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, và 6 người ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bị rơi vào bẫy môi giới xuất khẩu lao động của một số đối tượng và bị lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Các nạn nhân cho biết, họ được một người tên T. trú tại thị xã Ba Đồn móc nối, giới thiệu vào một Công ty tên là H.N., có địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và cam kết có thể giúp những ai có nguyện vọng đi lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Để tạo niềm tin cho những người dân, các đối tượng trong Công ty H.N., đã dùng một văn phòng tại Hà Nội để tiếp nhận hồ sơ dự tuyển, dạy tiếng cho những người đăng ký đi xuất khẩu lao động, đồng thời trong thời gian nửa tháng học tiếng, các đối tượng lừa đảo này yêu cầu những ai muốn đi lao động nước ngoài phải nộp cho chúng số tiền 145 triệu đồng.
Nhiều người dân tại Quảng Bình đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. |
Sau khi đóng tiền, công ty này thông báo cho các học viên về nhà chuẩn bị, sau đó ra Hà Nội nhận vé máy bay và hoàn tất thủ tục để ra nước ngoài làm việc. Thế nhưng, khi những bị hại quay lại Hà Nội thì công ty có tên H.N. và các nhân viên của công ty này đã không cánh mà bay.
Anh Nguyễn Văn Thoại (SN 1988), tại thôn Xuân Hải, xã hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một trong những nạn nhân của đường dây lừa đảo, môi giới xuất khẩu lao động cho biết, sau sự việc xảy ra, anh đã có trình báo cho cơ quan công an tại Hà Nội cũng như Công an tỉnh Quảng Bình.
Trước đây, anh Thoại ở nhà nuôi tôm nhưng bị thua lỗ hơn 500 triệu đồng nên mong muốn đi Hàn Quốc làm việc, kiếm tiền để có thể trả nợ thế nhưng lại không may rơi vào bẫy của kẻ gian, khiến gia đình anh rơi vào tình cảnh nợ chồng nợ.
“Chúng tôi nộp hồ sơ xong thì được dạy tiếng, khi đó họ bắt đóng 4 lần với tổng số tiền là 145 triệu đồng, học được nửa tháng thì họ nói về chuẩn bị để bay nên tất cả chúng tôi về quê sắm sửa, rồi quay lại như công ty đó hẹn, thế nhưng khi ra lại Hà Nội thì chúng tôi mới biết mình bị lừa, giờ nợ nần nhiều mà tui cũng chưa biết làm chi để trả cả”, anh Nguyễn Văn Thoại buồn bã.
Vì mong muốn cho con đi nước ngoài lao động, lại nhẹ dạ cả tin, anh Diệu đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo |
Cũng như anh Thoại, vì cuộc sống khó khăn, nghề biển hiện nay vất vả, anh Nguyễn Văn Diệu (SN 1969) cũng có nguyện vọng cho con trai của mình là Nguyễn Văn Ất (SN 1995), đi lao động nước ngoài, có người giới thiệu anh đã tin và vay tiền, làm hồ sơ để cho con nộp vào Công ty H.N.
“Con tui học xong cũng không biết làm chi, ở nhà không có việc nên tui cho hắn đi nước ngoài lao động kiếm ít vốn, thế nhưng không ngờ lại bị lừa, “tiền mất tật mang” rồi các chú ơi! Cũng vì mình mong mỏi cho con được đi, lại không cảnh giác nên mới bị chúng nó lừa như rứa, tui cũng báo công an rồi nhưng không biết có lấy lại tiền được không nữa”, anh Diệu tâm sự.
Không chỉ lừa đảo xuất khẩu lao động, trước đó tại Quảng Bình cũng từng xuất hiện đường dây lừa đảo hình thức đưa người đi nước du học. Anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1961), trú tại thôn Trung Đức, xã Đức Trạch chính là một nạn nhân của đường dây này. Vì muốn cho con trai là Nguyễn Khánh Yên (SN 1994) đi Hàn Quốc du học, anh đã bị các đối tượng xấu lừa mất 185 triệu đồng.
Anh Bình cho biết, có người giới thiệu con trai anh nộp hồ sơ vào một công ty ở Hà Nội và nói công ty này có thể đưa người đi du học nước ngoài, sau khi nộp hồ sơ, công ty này yêu cầu anh đóng tiền và học tiếng, sau đó thông báo về nhà chuẩn bị để bay theo lịch hẹn. Thế nhưng, khi ra đến Hà Nội, anh Bình gọi điện cho người của công ty môi giới thì họ hẹn ngày này qua ngày khác.
“Họ cứ nói ngày ni qua ngày khác, cuối cùng con tui cũng không đi được, biết mình bị lừa nhưng tui lại chủ quan nộp tiền không có biên lai, chứng nhận cam kết chi cả nên giờ không có chứng cứ gì, muốn đòi lại tiền cũng khó nên phải chấp nhận thôi. Mới đây tui đã cho cháu nó đi Đài Loan lao động rồi”, anh Bình cho hay.
Không chỉ xuất khẩu lao động, trước đó tại Quảng Bình cũng đã xuất hiện các đối tượng lừa đảo đưa người đi du học |
Để tránh việc bị sập bẫy vào các “cò” lừa đảo xuất khẩu lao động, ông Hồ Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình khuyến cáo người dân nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn. Các trung tâm này là cơ quan của nhà nước, có kinh nghiệm để thẩm định các đơn vị xuất khẩu lao động nào là tốt để người dân biết và xác định hướng đi cho mình.
“Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều “cò mồi” giới thiệu mình ở đơn vị này, đơn vị kia để lừa người lao động. Vì vậy, người dân muốn đi xuất khẩu lao động thì nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, việc tư vấn này là miễn phí chứ không có mất tiền, vì vậy người dân muốn đi xuất khẩu thì nên đi theo đường Nhà nước để được đảm bảo an toàn”, ông Vân nói.