Tín hiệu tích cực từ thị trường máy nông nghiệp nội địa
Khách đến mua hàng tại Cửa hàng máy nông nghiệp Phương Hân, đường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) |
Khảo sát một vòng thị trường máy móc phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh các loại máy có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như: Kubota, Yamar, Iseki…, số lượng máy sản xuất trong nước cũng khá đa dạng, từ mẫu mã sản phẩm, tính năng hoạt động cho đến kích cỡ, công suất… Máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát, máy kéo Bông Sen 2 bánh, máy kéo Bông Sen 4 bánh… với giá dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, đến từ các thương hiệu Việt như: VEAM, Vikyno & Vinappro…
Nếu như trước đây, thị trường máy nông nghiệp ngập tràn các sản phẩm ngoại nhập, hàng Trung Quốc chiếm đến 90%, thì nay, thị phần đã có nhiều thay đổi khi ngày càng nhiều các cơ sở, doanh nghiệp trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Gần 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, Công ty TNHH Cường Đại, ở xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) - Tổng đại lý máy nông nghiệp của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm cung cấp hàng trăm đầu máy cho bà con nông dân. Điều đặc biệt đó là 100% máy móc do Công ty cung ứng đều có xuất xứ từ Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty, cho biết: Trước kia, người dân chủ yếu mua máy nông nghiệp của Trung Quốc hoặc Nhật “bãi” với giá rẻ, chất lượng không đảm bảo. Những loại máy này khi bị hỏng hóc, thường phải bỏ đi do thiếu linh kiện thay thế. Trong khi đó, với các loại máy nội địa, nếu xảy ra vấn đề trục trặc, có thể sửa chữa và thay thế linh kiện rất dễ dàng. Do vậy mà vài năm trở lại đây, người dân đã quay ra sử dụng và ưa chuộng hàng nội hơn. Năm 2016, Công ty chúng tôi xuất bán ra thị trường gần 200 đầu máy các loại, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng.
Cũng là một đơn vị kinh doanh máy móc nông nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh, bà Hoàng Thị Hằng Linh, chủ Cửa hàng Tiệp Linh, số 181/1, đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên) cảm nhận rõ ràng sự thay đổi về thị phần máy nông nghiệp những năm gần đây: Vài năm trước, số lượng đầu máy nông nghiệp có xuất xứ trong nước tại cửa hàng chỉ chiếm khoảng 5-10%, chủ yếu là các loại máy đơn giản, công suất nhỏ thì nay đã chiếm trên 40% với mẫu mã ngày càng đa dạng và bắt mắt.
Gặp chúng tôi khi đang tham khảo một số máy móc tại Cửa hàng máy nông nghiệp Phương Hân, đường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), anh Nguyễn Văn Tâm, ở xóm Bình Định, xã Kha Sơn (Phú Bình) cho biết: Tôi đang có nhu cầu mua một chiếc máy cấy đa năng, vừa phục vụ việc sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con trong xã. Qua tư vấn của chủ cửa hàng và tìm hiểu nhiều nơi, tôi nhận thấy các loại máy cấy do Việt Nam sản xuất rất phù hợp canh tác trên đồng đất của địa phương, chế độ cấy vừa phải và được cài đặt sẵn với mức trung bình là 50 khóm mạ/m2. Mặc dù giá có cao hơn hàng Trung Quốc từ 8-10 triệu đồng, nhưng bù lại là máy khỏe và bền hơn hẳn. Do vậy, tôi quyết định sẽ lựa chọn máy do Việt Nam sản xuất.
Một ưu điểm nữa khiến cho máy móc nông nghiệp nội địa ngày càng chiếm được cảm tình của khách hàng, chủ yếu là nông dân, đó là chế độ hậu mãi. Do sản xuất trong nước, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể liên hệ với nhà sản xuất hay đại lý khi máy móc có trục trặc. Với những máy có kích thước lớn, nhân viên kỹ thuật sẽ có mặt kịp thời để giải quyết. Thêm vào đó, để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, một số đơn vị còn triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi về giá, bán máy trả chậm… Đơn cử như Công ty TNHH Cường Đại, từ lâu đã áp dụng chính sách trả trước 50% giá trị máy móc với những khách hàng gặp khó khăn về vốn, số còn lại được trả chậm trong vòng 6 tháng, không tính lãi…
Bên cạnh các công ty, doanh nghiệp lớn đã có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, thì tại những cửa hàng nhỏ hay xưởng cơ khí, người sản xuất đã có những thay đổi phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông Hoàng Tiến Dũng, Chủ cơ sở gò hàn Dũng Quang, ở tổ 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), cho biết: Với gần 20 công nhân, hàng ngày, xưởng cơ khí của gia đình sản xuất được 15-20 sản phẩm như: tôn sao chè, máy vò chè, nồi điện... Phần lớn các linh kiện nội được sử dụng để lắp ráp, bộ phận quan trọng nhất là vòng bi trong các máy vò chè, tôn sao đều là hàng “made in Viet Nam”, thay thế cho vòng bi Trung Quốc. Dù giá đắt gấp 1,5 lần hàng “Tàu” nhưng thời gian sử dụng của vòng bi Việt được khách hàng đánh giá là bền hơn hẳn.
Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, song, không thể phủ nhận rằng, hiện nay, phần lớn các loại máy sản xuất trong nước vẫn tồn tại một số nhược điểm như: chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng, công suất nhỏ, chủ yếu mới chỉ thỏa mãn nhu cầu sử dụng của người dân trong quy mô hộ gia đình, giá bán tương đối cao... Để hướng đến sản xuất đại trà với quy mô và công suất lớn hơn, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vốn và công nghệ, đặc biệt là cải tiến tính năng để cho ra đời đa dạng hơn nữa các loại máy. Hy vọng rằng, thời gian tới, thị trường máy nông nghiệp Việt sẽ có những đột phá, để người dân hoàn toàn an tâm và có nhiều sự lựa chọn hơn khi sử dụng hàng Việt Nam.